Song đây cũng là cơ hội mới để doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải nhìn nhận và cơ cấu lại thị trường; tìm kiếm, lựa chọn những mặt hàng, sản phẩm có thế mạnh để tập trung thương mại hóa, đem lại nguồn thu lớn hơn, gia tăng giá trị và hiệu quả hơn.
Bà Đỗ Đan Việt, đại diện Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm cho hay, nhờ có thương hiệu chè an toàn đạt tiêu chuẩn châu Âu với chứng chỉ Rain Forest, trong nhiều năm qua, sản phẩm chè Mỹ Lâm đã vươn xa tới nhiều thị trường như Mỹ, Ba Lan, Anh, Nga, Nhật Bản..., thậm chí công ty luôn có các đơn hàng xuất khẩu ổn định. Hiện nay, sản phẩm chè Mỹ Lâm đã được hàng triệu người tiêu dùng trên toàn thế giới sử dụng mỗi ngày với trên 90% sản lượng chè tương đương hàng chục nghìn tấn sản phẩm được tiêu thụ bởi Tập đoàn Unilever - tập đoàn hóa mỹ phẩm và tiêu dùng lớn trên thế giới.
Phát triển mô hình tổ sản xuất chè an toàn đã đem lại lợi ích cho cả người nông dân và doanh nghiệp. Hiện nay, công ty đang quản lý 430 ha đất trồng chè, năng suất bình quân 25 tấn chè búp tươi/ha, thậm chí có diện tích vượt trội đạt 37 tấn/ha/năm.
Công ty hiện có nhà máy chế biến với công suất 72 tấn chè búp tươi/ngày; trong đó, có 1 xưởng sản xuất chè đen với 5 dây chuyền đạt công suất 60 tấn chè búp tươi/ngày, cùng 1 xưởng sản xuất chè xanh với công suất 12 tấn búp tươi/ngày. Sản phẩm chè đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu đã giúp tăng giá bán chè thành phẩm, giảm giá thành sản xuất và thị trường được mở rộng, ổn định. Doanh nghiệp chi phí cho đầu tư thấp vì không phải thuê đất, mua đất, không phải đầu tư trồng mới; đồng thời, lại xây dựng được tính minh bạch và cơ chế giám sát tập thể nên hoạt động ngày càng đạt hiệu quả và chất lượng. Tuy nhiên, trải qua 2 năm dịch COVID-19 hoành hành, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, thách thức và bắt đầu chuyển hướng, tập trung tìm kiếm các thị trường mới.
Trước tiên, là hướng về thị trường tiêu thụ trong nước với hơn 90 triệu người dân, bà Việt cho hay, năm nay, Mỹ Lâm cho ra đời sản phẩm Trà xanh Lộc Xuân và Trà đen Mỹ Lâm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại bậc nhất của Ấn Độ. Đây là những sản phẩm được khai thác từ nguồn nguyên liệu sạch đạt chuẩn và canh tác theo hướng sinh học, thuận tự nhiên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam. Định hướng trong tương lai, Mỹ Lâm sẽ dành một nửa sản lượng để phủ rộng thị trường trong nước. Đây có thể sẽ là thị trường nhiều lợi thế nếu tiết giảm được chi phí thủ tục, phí logistics và hạn chế được nhiều rủi ro khác về thanh toán quốc tế...
Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, trong năm nay cũng đã kéo sức mua ở thị trường nội địa lên gấp 3 lần kể từ khi trực tiếp tổ chức hệ thống phân phối, thay vì tìm đến các kênh trung gian. Giá hàng hóa cạnh tranh, chất lượng cao là lợi thế của hàng xuất khẩu, bán tại "sân nhà", giúp doanh nghiệp giữ vững tăng trưởng 15% trong năm 2022.
"Ban đầu quay lại thị trường nội địa, doanh nghiệp chỉ tập trung thăm dò, nhưng sau thời gian kinh doanh nhận thấy đây là 1 kênh rất hiệu quả. Khi xuất khẩu gặp khó, đây là kênh gánh một phần cho thị trường. Không chỉ có sản phẩm của doanh nghiệp, mà còn có hàng của những doanh nghiệp xuất khẩu chung. Lạm phát bước đầu có những ảnh hưởng đến xuất khẩu trái cây, nông sản. Những đơn hàng của doanh nghiệp đi Mỹ, Australia và Canada đã chậm lại, nhu cầu của người tiêu dùng các quốc gia trên hạn chế khá nhiều. Vì thế, việc mở thị trường mới, phát triển thị trường nội địa vẫn là mục tiêu xuyên suốt và quan trọng của doanh nghiệp hiện nay", ông Tùng cho hay.
Phía Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cũng đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng ở thị trường nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử để phân phối, tiêu thụ sản phẩm, ưu tiên các doanh nghiệp tham gia các chương trình ngày mua sắm trực tuyến; gian hàng Việt trực tuyến quốc gia…
Trước sự thích ứng với thời cuộc của doanh nghiệp xuất khẩu, Chuyên gia kinh tế Từ Minh Thiện nhận định, tái cấu trúc doanh nghiệp xuất khẩu; đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là vấn đề quan trọng. Theo đó, cần chú trọng lựa chọn phân khúc thị trường và kênh phân phối phù hợp với sản phẩm và quy mô của doanh nghiệp, cũng như tìm hiểu thị hiếu, xu hướng và đặc trưng thị trường thông qua các hội thảo quốc tế, các hội chợ - triển lãm quốc tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách, tiếp cận các thị trường mới. Ngoài các thị trường truyền thống, doanh nghiệp cũng cần lưu ý các thị trường chưa được khai thác đúng mức để có các dòng sản phẩm dành riêng cho các phân khúc khách hàng riêng biệt, các thị trường ngách… Cùng với đó, phải đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, các hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tận dụng các công cụ trực tuyến, đặc biệt các nền tảng để tập trung cho thị trường nội địa.