Hàng không Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, nhưng chưa đồng đều
Tại Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt” do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) tổ chức ngày 24/2 tại Hà Nội, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch VABA cho biết, bên cạnh sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không nội địa từ tháng 6/2022 đến nay, tại thị trường hàng không quốc tế, các hãng hàng không đã khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt khách quốc tế, gấp 22 lần so với năm 2021.
Với việc tăng cường công suất, các hãng hàng không đã nhanh chóng đi tắt đón đầu trong hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, xây dựng các dòng sản phẩm mới, đa dạng, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu hành khách. Nhờ những nỗ lực vượt bậc này, các hãng bay Việt Nam đã ghi nhận doanh thu liên tục đạt mức cao kỷ lục thời gian qua.
Theo kịch bản lạc quan của Cục Hàng không Việt Nam, ngành Hàng không Việt Nam có thể đạt mức hồi phục toàn phần vào cuối năm 2023. Dự kiến, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 ước đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.
Trong bức tranh chung nêu trên, đến đầu năm 2023, các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 37 triệu khách hành khách (tăng 157,0% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 10,8% so với cùng kỳ 2019), 211.000 tấn hàng hóa, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 34,6% so với cùng kỳ 2019.
Song, báo cáo của VABA cho thấy, thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng có sự không đồng đều giữa các phân khúc. Vận chuyển hàng hóa phục hồi nhanh và đã có sự tăng trưởng so với năm 2019, trong khi vận chuyển hành khách phục hồi chậm hơn và chưa đạt mức từng đạt cùng kỳ năm 2019; thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát nhưng thị trường quốc tế chỉ mới phục hồi chậm; sản lượng vận chuyển hàng không của các hãng hàng không Việt Nam đã phục hồi và có sự tăng trưởng nhất định, nhưng doanh thu không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm do chi phí đầu vào tăng; sự phục hồi của ngành Hàng không Việt Nam có sự không đồng đều giữa các doanh nghiệp thuộc các giai đoạn khác nhau trong chuỗi cung ứng...
Thách thức và cơ hội
Nhiều ý kiến của các chuyên gia hàng không, tài chính nhận định, sự phục hồi của các doanh nghiệp vận tải hàng không trong chuỗi cung ứng vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mới.
Đơn cử, giá nhiên liệu bay (Jet A1) liên tục tăng vọt trong năm 2022, có thời điểm đạt mức trên 160 USD/thùng. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay đạt 130 USD/thùng, tăng khoảng 80% so với mức trung bình của năm 2021. Trong giai đoạn trước mắt, giá Jet A1 vẫn được dự báo dao động ở mức 110 - 130USD/thùng, gây bất lợi lớn cho các hãng hàng không, trong bối cảnh chi phí nhiên liệu chiếm tới hơn 40% tổng chi phí khai thác.
Thêm vào đó, giá USD tăng giá khoảng 9% so với VND trong năm 2022 cũng đang gây áp lực tài chính lớn cho các hãng bay, khi đây là đồng ngoại tệ được sử dụng phổ biến nhất để thanh toán các chi phí: Mua nhiên liệu, thuê mua máy bay, dịch vụ thuê ngoài phục vụ hành khách... Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, VND trong 2023 vẫn còn dư địa giảm giá khoảng 3 – 4% so với USD...
Đây đều là các nhân tố ảnh hưởng mạnh tới khả năng điều tiết giá cả một cách hiệu quả của các hãng bay, cũng như toàn thị trường. Do đó, trong ngành Hàng không Việt Nam đang tồn tại nghịch lý là doanh thu tăng mạnh, nhưng nhiều hãng bay vẫn báo lợi nhuận ở mức âm.
Ngoài ra, theo ông Bùi Doãn Nề, trong giai đoạn 2022 - 2025, ngành Hàng không có thể sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: Những biến đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng làm nhu cầu sử dụng các dịch vụ của ngành Hàng không tăng lên và dịch vụ cần đa dạng, mở rộng hơn để đáp ứng yêu cầu khách hàng; tình trạng thiếu hụt nhân lực kỹ thuật và chuyên môn; tác động từ sự tranh chấp và xung đột quốc tế; sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường khi sẽ có những doanh nghiệp hàng không mới từ trong nước và quốc tế; gia tăng cạnh tranh giữa các hãng hàng không hiện nay và sự bất cập của cơ sở hạ tầng hàng không và cơ sở hạ tầng phục vụ, có liên quan tới ngành Hàng không.
Tuy nhiên, ngành Hàng không Việt Nam vẫn có những cơ hội đáng kể để phục hồi và phát triển mạnh mẽ như: Thị trường nội địa nhiều tiềm năng, thị trường quốc tế có dung lượng lớn trước xu hướng bùng nổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sau dịch; việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kinh tế số tác động tích cực tới hoạt động của hàng không; hàng không Việt Nam bảo toàn được nhiều năng lực cơ bản, trong khi nhiều hãng hàng không khu vực và trên thế giới bị giải thể, cắt giảm quy mô; các hãng hàng không nội địa đã củng cố được vị thế tại thị trường trong nước, khu vực và quốc tế biết, nhất là Nhà nước tiếp tục có những chính sách tích cực tháo gỡ, phát triển ngành Hàng không ở Việt Nam...
Trên cơ sở những phân tích của đại diện các hãng bay, các chuyên gia, VABA sẽ phối hợp với các tổ chức chuyên ngành, tổng hợp, thống nhất các giải pháp đảm bảo các doanh nghiệp vận tải hàng không phát triển mạnh mẽ, ổn định, công bằng; đồng thời, gửi đến các cơ quan của Quốc hội, làm căn cứ đầu vào chuyên sâu tham khảo cho công tác lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Luật Giá sửa đổi đang được thị trường quan tâm.
Trước mắt, VABA đề xuất, để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không có thể nhanh chóng phục hồi, phát triển, nâng cao năng lực, vị thế, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành Hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan; có chính sách tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức công - tư hỗn hợp để đa dạng hóa hệ thống cơ sở hạ tầng; đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành Hàng không mà Việt Nam chưa khai thác; rà soát, đánh giá toàn diện tác động từ các chính sách của Nhà nước đối với ngành Hàng không Việt Nam và hoàn thiện hệ thống chính sách kịp thời.