Hiện nay, xu thế đơn hàng đang dịch chuyển về Việt Nam, một số khách hàng có đề nghị đặt hàng với May 10. Tuy nhiên, May 10 có nhận đơn hàng mới cũng chỉ mức độ vì các nhà máy hầu như đã có đơn hàng đến hết năm nay. Ông Long cũng đưa ra dự báo từ này đến cuối năm đơn hàng dệt may về Việt Nam sẽ tăng. Tuy nhiên, tăng không phải về nhu cầu trên thế giới tăng mà do dịch chuyển từ nước này sang nước khác.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, việc bất ổn chính trị ở Bangladesh khiến khách hàng cân nhắc chuyển đơn đặt hàng sang các quốc gia khác. Tuy vậy, mức độ dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh sang các nước khác, bao gồm cả Việt Nam, sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như tính chất của các đơn hàng và đối tác.
Ông Giang khẳng định, đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh về Việt Nam là có tuy nhiên không nhiều. Bởi về tổng thể, Bangladesh vẫn có lợi thế lớn về chi phí sản xuất khi có giá nhân công rẻ, lãi suất ngân hàng thấp, được hưởng quyền tiếp cận miễn thuế và không hạn ngạch đối với tất cả các thị trường ở EU. Các doanh nghiệp Bangladesh cũng được nhà nước trợ cấp chi phí năng lượng để gia tăng xuất khẩu. Hơn nữa, dù còn nhiều bất ổn nhưng Chính phủ mới tại Bangladesh chắc chắn sẽ sớm triển khai các biện pháp để hỗ trợ cho ngành dệt may vì đây là trụ cột kinh tế của đất nước họ.
Ông Vũ Đức Giang cho biết thêm, doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ có một số lợi thế nhất định và hoàn toàn có khả năng đón nhận thêm những đơn hàng mới. Bởi trong ngắn hạn, năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ bị giảm sút ngay giai đoạn cao điểm sản xuất hàng cho mùa Đông. Các nhà mua hàng sẽ phải tính toán dịch chuyển đơn hàng sang nước khác để bù đắp số lượng thiếu hụt. Những bất ổn về mặt chính trị cũng khiến niềm tin của khách hàng đối với hoạt động sản xuất nói chung, ngành dệt may Bangladesh nói riêng bị giảm sút.
Tuy nhiên, Bangladesh vẫn sẽ là nơi sản xuất hàng dệt may hấp dẫn do chi phí thấp hơn 15 - 25% so với những nơi khác và không mất thuế quan.
Hiện các nhà máy may mặc ở Bangladesh, được cho là có thể đóng góp tới 90% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Nam Á này, đã mở cửa trở lại, làm dấy lên hy vọng ngành dệt may vốn là động lực của nền kinh tế, sẽ nhanh chóng khôi phục hoàn toàn, sau khi bị ngưng trệ do các cuộc biểu tình bạo lực khiến Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước.
Theo ông Miran Ali, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), trước đó các nhà máy đã phải đóng cửa tổng cộng 4 ngày và hiện còn quá sớm để ước tính thiệt hại về mặt vật chất.
Bangladesh hiện là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai trên thế giới, xếp trên Việt Nam và chỉ sau Trung Quốc. Khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Bangladesh đến từ các thị trường khu vực Bắc Mỹ và EU. Mặt hàng xuất khẩu chính của Bangladesh là sản phẩm gia công cho các thương hiệu thời trang hàng đầu từ châu Âu như H&M, Zara.
Giới phân tích cho rằng dù các nhà máy đang mở cửa trở lại, nhưng có thể có một số thiệt hại. Để tránh rủi ro, một nhà sản xuất hàng may mặc chuyên cung cấp sản phẩm cho khách hàng phương Tây cho biết, sẽ chuyển sản xuất trong phần còn lại của năm nay từ Bangladesh sang sang các nước lân cận; trong đó, có Việt Nam, Ấn Độ…