Video Dồn lực thông xe kỹ thuật 4 dự án trọng điểm trên cao tốc Bắc Nam 2017 - 2020:
Đến thời điểm này, ngoài cao tốc thành phần Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành, chuẩn bị đưa vào khai thác toàn tuyến dự án, 3 cao tốc: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cũng được các nhà thầu thi công gấp rút hoàn thiện các hạng mục để đảm bảo mục tiêu thông xe kỹ thuật và được hoàn thành đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2023.
Cao tốc Mai Sơn – QL45 qua 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, dài 63,37 km, kết nối với cao tốc Cao Bồ – Mai Sơn, QL45 – Nghi Sơn, tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng; cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,35 km, tổng mức đầu tư 6.675 tỷ đồng, nối tỉnh Quảng Trị với Thừa Thiên - Huế; cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100,8 km qua tỉnh Bình Thuận, tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, đi qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, tổng mức đầu tư 12.577 tỷ đồng.
Đây là 4 dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn I thông xe kỹ thuật theo mục tiêu "120 ngày đêm thông xe cao tốc" của Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra. Trên công trường toàn tuyến 4 dự án, nhiều gói thầu đã cán đích trước kế hoạch và đang được các Ban Quản lý dự án (đại diện chủ đầu tư), nhà thầu "dàn trận" tăng tốc thi công 3 ca, 4 kíp/ngày đêm, hoàn thiện các hạng mục cuối cùng.
“Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi, đến ngày 31/12/2022 tới sẽ thông tuyến kỹ thuật dự án cao tốc Mai Sơn -QL45 đến nút giao Đông Xuân (điểm giữa QL45 và QL47 nối vào TP Thanh Hóa. Hàng ngày, trên tuyến dự án đang triển khai 79 mũi thi công tại 5 gói thầu, gồm 52 mũi thi công đường và cấu kiện, 24 mũi thi công cầu, 3 mũi thi công hầm. Tổng sản lượng thi công đến nay đạt hơn 80,3% giá trị xây lắp theo hợp đồng. Giá trị sản lượng đối với mốc hoàn thành thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022 đạt trên 90%", ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án khẳng định.
Trong thời gian qua, các nhà thầu thi công cao tốc đã huy động tối đa các dây chuyền, thiết bị, nhân công, triển khai thi công “3 ca 4 kíp”. Công tác dỡ tải các đoạn hơn 14 km nền đất yếu đã cơ bản hoàn thành, các nhà thầu đang tập trung thi công các công trình hầm chui dân sinh, cống hộp, thảm bê tông nhựa nóng cuốn chiếu... để hoàn thành mặt đường. Tại dự án này hiện nay, chỉ còn gói thầu XL11 thi công nút giao Đông Xuân (Km327+200) đến cuối tuyến (Km337+478) dài 10,28 km và gói thầu XL12 thi công hầm Thung Thi, khối lượng công việc còn lại khá lớn, nhưng các nhà thầu vẫn đảm bảo tiến độ thi công đặt ra.
Trên công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đại diện Ban Quản lý dự án 7 cho hay, sản lượng thi công dự án đạt khoảng 70%. Các nhà thầu đang dồn mọi nguồn lực tài chính, bổ sung thiết bị, dây chuyền thi công, với hơn 500 xe vận chuyển và trên 2.100 nhân công trài dài trên toàn tuyến hàng ngày, tăng tốc thảm nhựa và cam kết thông tuyến chính trên lớp bê tông nhựa (tương ứng khoảng 75% giá trị hợp đồng) vào 31/12/2022 như chỉ đạo của Bộ GTVT. Ban quản lý dự án 7 đang kiểm soát sát sao tiến độ điều chỉnh và có kế hoạch thi công bù khối lượng, sản lượng thi công chậm. Tuy nhiên, khối lượng thi công đến nay chưa đạt như kỳ vọng, dù đến nay tuyến chính cơ bản hoàn thành.
Còn theo đại diện Ban điều hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án cam kết đẩy nhanh tiến độ, dồn mọi nguồn lực và đã yêu cầu các nhà thầu bố trí nguồn lực tài chính cho gói thầu, bổ sung nguồn cung cấp bê tông nhựa, triển khai thi công ngay mũi lắp đặt tôn hộ lan, biển báo, thảm bê tông nhựa nóng các đoạn tuyến đà hoàn thành, kịp thông xe kỹ thuật vào 31/12.
Riêng dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Bộ GTVT đã quyết định ban hành kế hoạch khánh thành, đưa vào khai thác ngày 1/1/2023. Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho hay, ngoài tuyến chính dự án hoàn thành từ ngày 31/11 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, hiện 3/5 nút giao toàn dự án đã cơ bản xong. Các nhà thầu đang tập trung xử lý dứt điểm các hạng mục phụ trợ còn lại. Đến ngày 25/12/2022, dự án đã hoàn thành các hạng mục: Lắp đặt hàng rào hộ lan, khe co dãn, sơn kẻ vẽ phân làn đường, hệ thống đèn, điện... và đảm bảo cán đích đúng tiến độ...
Bốn dự án cao tốc thành phần trên được Chính phủ, Bộ GTVT phát động “Chiến dịch 120 ngày đêm” hoàn thành, thông xe kỹ thuật từ ngày 10/9 đến hết ngày 31/12/2022). Bốn dự án có vai trò quan trọng khớp nối toàn tuyến dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc Nam giai đoạn I trong bối cảnh hiện trường vẫn còn ngổn ngang, tiến độ tổng thể mới đạt xấp xỉ khoảng 70%, nguy cơ chậm tiến độ hiện hữu. “Tối hậu thư” đã được đưa ra, không còn đường lùi, vì vậy các Ban Quản lý dự án và các nhà thầu phải dốc toàn lực để hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Đều được khởi công từ cuối năm 2020, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bão giá, thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu trong năm 2021, nhất là điều kiện thời tiết bất thường, mưa nhiều kéo dài trong 2 năm 2021 - 2022, nên tiến độ các dự án trước đó bị “hụt” nghiêm trọng, nhưng người lao động trên các công trường với tinh thần vượt khó, vẫn hăng say quên mình thi công. Đặc biệt, khi chiến dịch “120 ngày đêm” được “đặt lên bàn cân”, trên công trường, 100% cán bộ, công nhân đã quên đi những nỗi niềm “phu lục lộ”, dốc lực với niềm tin chiến thắng, mong đem lại niềm vui mở đường, phát triển kinh tế cho người dân có các dự án đi qua.
Tinh thần của “chiến dịch 120 ngày đêm” quán triệt theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tập trung “4 ổn định”, “3 tăng cường”, “2 đẩy mạnh”, “1 tiết giảm” và “kiên quyết không”, Bộ GTVT đã đặt ra yêu cầu với các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu phải quyết liệt kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện của từng nhà thầu, từng gói thầu và toàn dự án, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” bù lại phần khối lượng đã bị chậm và ký cam kết theo các mốc tiến độ của từng hạng mục. Đồng thời, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm như: Cắt chuyển khối lượng, bổ sung nhà thầu phụ, xem xét chấm dứt hợp đồng và cấm tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý từ 3 - 5 năm đối với các nhà thầu vi phạm.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký quyết định ban hành kế hoạch khánh thành dự án cao tốc thành phần Cam Lộ - La Sơn và đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 vào sáng ngày 1/1/2023 trên địa bàn 9 tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cà Mau. Các gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần được khởi công bao gồm: Gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (dài 35,2 km); gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (dài 30 km); gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng (dài 23,54 km); gói thầu XL01 đoạn Bùng - Vạn Ninh (dài 30,29 km); gói thầu XL2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (dài 32,54 km); gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (dài 30 km); gói thầu 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (dài 23,5 km); gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (dài 22,1 km); gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (dài 24,05 km); gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (dài 30,85 km); dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (1 gói thầu, chiều dài 37,65 km) và gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau (dài 22,4 km).