Những ngày đầu năm, khi dư âm Tết vẫn còn thì người dân tại vùng “chảo lửa” huyện Krông Pa vẫn miệt mài làm việc trên cánh đồng bạt ngàn dưa hấu vì trước ngày thu hoạch, trái dưa cần được chăm sóc, trông coi kỹ càng hơn.
Anh Nguyễn Văn Huỳnh, làng Ia Klon, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa cho hay, vụ dưa năm ngoái, giá tăng cao, người trồng lãi lớn. Năm nay, cây cho nhiều quả to, sản lượng ước đạt tăng hơn năm ngoái. Người trồng dưa tại huyện Krông Pa đang hy vọng giá dưa cao như năm ngoái thì người dân sẽ bội thu. Hiện giá dưa hấu khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, so với khoản chi phí đầu tư 180-200 triệu đồng/ha thì người dân chưa có lãi. Nhưng thông thường, vào chính vụ, giá dưa hấu sẽ tăng khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg. Hiện đã có thương lái đặt mua hết diện tích 3 ha nhưng gia đình để lại, chờ vào chính vụ mới bán cho được giá.
Hiện toàn huyện Krông Pa có khoảng gần 1.100 ha dưa hấu được trồng tập trung ở các xã Ia Mlah, Ia Rmok, Phú Cần. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, năm nay thời tiết thuận lợi, dưa hấu phát triển tốt, năng suất ước đạt 40 tấn/ha. Thời điểm hiện tại, dưa hấu bắt đầu cho thu hoạch nhưng số lượng không đáng kể, giá dao động từ 200 - 240 triệu đồng/ha. Với giá như thời điểm hiện tại, người dân đã có lãi.
Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa cho biết, khoảng 15 ngày nữa dưa hấu sẽ cho thu hoạch rầm rộ. Theo ghi nhận thực tế, nhiều ruộng dưa dấu của người dân dù chưa thu hoạch đã được các thương lái đến đặt cọc. Thậm chí, có hộ dân trồng 5 ha đã được thương lái đến đặt cọc hàng tỷ đồng.
Dự kiến dưa hấu năm nay sẽ tiêu thụ tốt hơn năm ngoái khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Mặt khác, một số diện tích dưa hấu đã xây dựng được mã số vùng trồng nên việc xuất khẩu chính ngạnh sang Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng hơn. Với những điều kiện thuận lợi đó, hy vọng vụ dưa hấu năm nay được mùa bội thu giúp người dân nâng cao thu nhập.
Tương tự, trên cánh đồng tại xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, người dân đang rộn ràng cười nói, rủ nhau đi thăm ruộng khoai lang xanh mướt. Anh Đảm Văn Lợi, thôn Thắng Lợi, xã Ia Sol cho biết, năm ngoái khoai lang được giá nên vụ năm nay, người dân trong vùng đổ xô trồng khoai nên diện tích tăng đáng kể. Nếu đầu ra ổn định như năm ngoái thì không lo ngại về giá. Trung bình 1 ha đầu tư hết khoảng 120 triệu đồng, chỉ cần giá không dưới 8.000 đồng/kg là người dân có lãi. Còn nếu được giá như vụ khoai lang trước, khoảng 13.000 đồng/kg thì người dân thắng lớn.
Năm nay, chỉ tính riêng Hợp tác xã Nông sản an toàn Phú Thiện với 28 thành viên đã trồng hàng trăm ha khoai lang Nhật trên cánh đồng tập trung tại xã Chư A Thai. Ông Đỗ Văn Năm, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn Phú Thiện đánh giá, năm nay, người dân đổ xô trồng khoai lang trên những cánh đồng tập trung nên diện tích tăng vọt so với mùa vụ trước. Thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, nắng ấm nên khoai lang phát triển nhanh và tốt hơn mọi năm, năng suất dự kiến 25-30 tấn/ha.
Cũng theo ông Năm, vụ khoai lang năm ngoái, người dân huyện Phú Thiện thắng lớn khi giá rất cao khoảng 13.000 đồng/kg. Năm nay, người dân cũng đặt rất nhiều kỳ vọng cho cây khoai lang khi việc xuất khẩu vào Trung Quốc đã thuận lợi hơn.
Hiện tổng diện tích trồng khoai lang trên địa bàn khoảng 2.500 ha, tăng đột biến so với vụ trước (khoảng 1.200 ha). Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện cho biết, khoai lang năm nay năng suất không vượt trội, chỉ bằng so với mùa vụ trước. Chỉ có một số những vùng đất mới cùng với việc đầu tư chăm sóc tốt sẽ cho năng suất cao hơn.
Thời gian qua, huyện Phú Thiện đã đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng đối với cây khoai lang cho mộ số doanh nghiệp trên địa bàn để hướng đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, huyện cũng đã mời một số doanh nghiệp ở Lâm Đồng ký kết biên bản đầu tư bao tiêu sản phẩm khoai lang cho người dân.
Tuy được mùa, được giá nhưng ngành nông nghiệp Gia Lai khuyến cáo người dân không nên tự phát mở rộng diện tích cây trồng, thực hiện đúng quy trình sản xuất gắn với xây dựng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, xây dựng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức liên kết sản xuất để nông sản chủ lực địa phương phát triển bền vững hơn.