Triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/10/2003 của Bộ Chính trị khóa IX (Nghị quyết 21) về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010; kết luận số 28-KL/TW, ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2011-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị sản xuất.
Phát triển nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng ĐBSCL. Tạo mới liên kết chặt chẽ giữa nông dân, ngư dân với các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Theo ông Nguyễn Tất Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, nông nghiệp vùng ĐBSCL đã có sự liên tục tăng trưởng với tốc độ cao nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng, đưa ĐBSCL thành vùng nông nghiệp chiến lược của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Trong giai đoạn 2004-2020, nông nghiệp ĐBSCL đóng góp trung bình 33,54% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP chung của vùng. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nông nghiệp ĐBSCL giai đoạn 2004-2020 đạt 4,6% cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (3,76%).
ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, với 24,51 triệu tấn gạo, chiếm 56% tổng sản lượng của cả nước; 671,7 nghìn tấn tôm, chiếm 83,51%; 1,41 triệu tấn cá tra, chiếm 98% và 4,3 triệu tấn trái cây, chiếm 60%.
Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ đã dành mối quan tâm to lớn cho công tác phát triển thuỷ lợi phục vụ cấp nước, tiêu nước, kiểm soát lũ, ngăn mặn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ đó, hạ tầng thủy lợi; hạ tầng phòng, chống thiên tai; hạ tầng cấp nước… được đầu tư khá lớn. Các hệ thống cơ sở hạ tầng đã góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Đến hết năm 2020, vùng ĐBSCL đã có 60,8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 2 địa phương là thành phố Cần Thơ, tỉnh Bạc Liêu đã có 100% số xã đạt chuẩn; có 31 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Về quy hoạch phát triển nông nghiệp của vùng, cây trồng, vật nuôi được quy hoạch phù hợp điều kiện đất đai, khí hậu điều kiện xã hội là nhằm xây dựng nền nông nghiệp của vùng phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh. Các lĩnh vực được áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, các bộ, ngành, địa phương đã có những giải pháp quyết liệt triển khai, dành nhiều hơn nguồn vốn của Nhà nước để tập trung đầu tư cho những dự án, công trình hạ tầng cấp bách, thiết yếu hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Riêng về phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, ĐBSCL đang phát triển 3 sản phẩm nông nghiệp chính là lúa gạo, cây ăn quả và thủy sản (cá tra, tôm nước lợ), phấn đấu đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực này.
Với việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp vùng theo thứ tự ưu tiên là thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo, ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, cơ cấu sản xuất thuỷ sản chuyển biến theo hướng tích cực là tăng tỷ trọng nuôi trồng và giảm tỷ trọng khai thác. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, thành một ngành sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm thay đổi cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo.
Diện tích nuôi trồng thuỷ sản vùng ĐBSCL tăng bình quân là 2,6%/năm. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản cũng tăng bình quân 9 %/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng của cả nước. Cùng với đó, vùng có ngành ông nghiệp chế biến thủy sản đã phát triển nhanh, hình thành một số doanh nghiệp quy mô lớn có tính dẫn dắt định hướng cho chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Trần Công Khôi, cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp vào phát triển thủy vùng ĐBSCL còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu và không đồng bộ. Chưa xây dựng được các mô hình liên kết đầu tư như hợp tác công tư, đầu tư mồi,… do đó chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào phát triển thủy sản.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, nông nghiệp vùng ĐBSCL đã có những thành tựu vượt bậc. ĐBSCL đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Thu nhập trên mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên.
Các sản phẩm lúa gạo, trái cây, thủy sản của vùng đã xuất khẩu đi hàng loạt các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chăn nuôi gia súc gia cầm cũng được chuyển dịch theo hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình phát triển đang chậm lại so với nhiều vùng khác. Lĩnh vực nông nghiệp vốn có lợi thế nhưng chưa phát huy hết tiềm năng. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, muốn phát triển ĐBSCL cả về nông thôn mới, môi trường… thì cần phát triển kinh tế.
Với phát triển nông nghiệp, vùng cần tổ chức sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai. Đổi mới chính sách đất đai, cho phép xây dựng cơ chế đặc thù để thúc đẩy chuyển đổi, tích tụ, tập trung đất nông nghiệp. Các chính sách ỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi đất lúa.
Chính sách tín dụng cần được đẩy mạnh theo chuỗi giá trị cho hộ nông dân, tổ chức kinh tế tập thể, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nhất là theo ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ logistics hỗ trợ nông nghiệp.
Cùng với nguồn ưu tiên từ ngân sách Trung ương, vùng cần thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công - tư đối với việc xây dựng hạ tầng; đặc biệt là hạ tầng cho phát triển chế biến sản phẩm, vùng chuyên canh chủ lực. Ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp tại các vùng lõi của vùng chuyên canh chủ lực. Thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng đầu tư vào các sản phẩm đặc sản theo mô hình OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) gắn với phát triển du lịch, đặc biệt tại các vùng linh hoạt.
Tại hội nghị, các đại biểu đều đề nghị Bộ Chính trị tiếp tục có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL cho giai đoạn tiếp theo hướng phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu, làm cơ sở để Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thực hiện.