Đồng euro hạ giá: Ai vui ai buồn?

Nhật báo Pháp "Le Monde" ra ngày 28/5 chạy trên trang nhất hàng tựa “Đồng euro giảm giá xuống mức thấp nhất trong 2 năm”, đồng thời dành nhiều trang phân tích về đồng euro, trong đó đáng chú ý có bài “Đồng euro hạ giá: Tin vui hay buồn?”.

Biểu tình tại Đức phản đối các biện pháp đối phó khủng hoảng nợ công. Ảnh AFP-TTXVN


Theo bài báo trên, việc tỷ giá đồng tiền chung châu Âu euro hạ xuống dưới mức 1,25 USD/euro hôm 25/5, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2010, đã nhận được hai luồng phản ứng trái ngược.


Nhiều doanh nhân châu Âu vui mừng vì đồng euro thấp sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của họ giảm giá một cách tự nhiên, giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.


Ngay cả những người ủng hộ một đồng euro mạnh cũng không thể phủ nhận mặt tích cực của việc đồng tiền này hạ giá, nhất là khi nó đi kèm với việc giá dầu mỏ hạ. Từ đầu tháng 5/2012 đến nay, giá dầu thô đã giảm gần 10%.


Việc giá dầu và đồng euro cùng giảm mang lại một hệ quả tích cực xét trên tổng thể đối với khu vực đồng euro, khiến sức mua của các gia đình ở châu Âu tăng nhẹ.
Trong số các nước được hưởng lợi nhiều nhất có Pháp và Italia.


Trong khi đó Đức không mặn mà với điều này, vì hàng xuất khẩu của Đức vẫn tăng mạnh ngay cả khi đồng euro ở mức giá cao.


Đồng euro hạ giá cũng không mang lại lợi ích đáng kể cho những nước có xuất khẩu chủ yếu là sang các nước trong khối, như Bồ Đào Nha (với 60% xuất khẩu sang các nước cùng khu vực đồng euro), hay những nước xuất khẩu ít như Hy Lạp.


Báo "Le Monde" dẫn lại nhận xét của ông Romano Prodi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu vào năm 1999, rằng việc đồng euro giảm giá không phải là đồng euro gặp khó khăn, mà chính là "triệu chứng" của nền kinh tế châu Âu đang rơi vào khủng hoảng. Nhận định này cho đến nay vẫn đúng.


Những người bi quan nhất cho rằng liên minh tiền tệ châu Âu có thể bị tan vỡ. Hy Lạp có khả năng ra khỏi châu Âu, tiếp theo đó là một số nước khác.


Về xu thế trong thời gian sắp tới, một số chuyên gia cho rằng đồng euro sẽ còn hạ giá, xuống mức 1,20 USD/euro, thậm chí hơn nữa. Theo giải thích của các chuyên gia, sở dĩ đồng euro cao giá so với USD là do Mỹ có chủ trương ghìm giá đồng USD để "chống lưng" cho nền kinh tế trong nước. Còn giờ đây, khi kinh tế Mỹ đang phục hồi, biện pháp này không còn cần thiết nữa.


TTXVN/Tin Tức

Anh lập kế hoạch ngăn chặn nhập cư nếu eurozone sụp đổ
Anh lập kế hoạch ngăn chặn nhập cư nếu eurozone sụp đổ

Chính phủ Anh đang lên kế hoạch kiểm soát người nhập cư khẩn cấp để hạn chế nhập cư tràn lan của người Hy Lạp và cư dân các nước Liên minh châu Âu khác trong trường hợp Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) sụp đổ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN