Số dự án cấp mới thấp hơn 3 lần
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, trong 10 tháng qua, trên địa bàn tỉnh chỉ cấp mới 7 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 650 tỷ đồng, bằng 6,2% về vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Đồng Nai chỉ có 10 dự án tăng vốn với số vốn bổ sung hơn 1,4 ngàn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với những năm trước. Tính đến nay, có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai với 1.549 dự án, tổng vốn FDI đăng ký là 32,37 tỷ USD.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, thu hút đầu tư nước ngoài của Đồng Nai từ đầu năm đến nay chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Nhìn vào thống kê cho thấy, đây là kết quả thấp nhất so với các năm trước. Nguyên nhân của tình trạng này là do trong những năm qua, Đồng Nai có sự lựa chọn kỹ hơn đối với các dự án đầu tư vào địa phương. Trong đó, tỉnh xác định doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào tỉnh đáp ứng những điều kiện về tính bền vững, bảo vệ môi trường cao, đóng góp cộng đồng và là nhà đầu tư chất lượng với công nghệ tiên tiến. Điều này đòi hỏi cơ quan tiếp cận các dự án đầu tư cũng cân nhắc, rà soát và thẩm định kỹ trước khi cấp phép đầu tư nên kéo dài thời gian.
Cũng theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, đầu tư nước ngoài vào địa phương lâu nay chủ yếu là vào các khu công nghiệp, tuy nhiên, 85% diện tích đất cho thuê tại các khu công nghiệp đã được lấp đầy. Hiện tại mỗi khu công nghiệp chỉ còn lại những phần diện tích nhỏ, không đáp ứng được các dự án đầu tư quy mô lớn của các tập đoàn lớn. Mặt khác, một số nhà đầu tư tìm đến các khu vực mà tỉnh đang điều chỉnh làm lại quy hoạch theo quy hoạch mới nên cũng chưa thể thu hút đầu tư.
"Hiện một số quy định quản lý đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, giấy chứng nhận đầu tư có một số điều chỉnh nên việc hướng dẫn và sự trao đổi giữa các bộ ngành chưa thống nhất, dẫn đến tiến độ cấp phép chậm lại. Một số khu công nghiệp quỹ đất còn nhiều thì lại xa các trung tâm cảng, logistic và chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai; hệ thống hạ tầng chưa hoàn thiện nên nhà đầu tư nước ngoài chưa quan tâm tìm hiểu, đầu tư. Chưa kể, việc cấp phép các dự án đầu tư trong nước ở ngoài khu công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chính sách pháp luật còn chồng chéo. Một số dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp gặp vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư do vướng đất cao su, đất công...", ông Nguyễn Hữu Nguyên cho biết.
Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Nam Long cho biết, Đồng Nai có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, gần các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... nên thu hút nhiều nhà đầu tư về bất động sản và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các dự án tại tỉnh vẫn còn gặp một số vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Vì vậy, nhiều hồ sơ đầu tư của doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong khâu hoàn tất hồ sơ hành chính để được cấp chứng nhận đầu tư, triển khai dự án. Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án bất động sản tại tỉnh còn chậm vì vướng mắc các thủ tục liên quan đến đền bù cho người dân...
Cần tháo gỡ những hạn chế
Một doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Đồng Nai cho biết, để tăng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư từ FDI, trước tiên, tỉnh Đồng Nai cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường sá trong các khu công nghiệp để kết nối đường, cơ sở hạ tầng với các địa bàn khác được thông thoáng hơn. Tại các khu công nghiệp, cần đẩy mạnh kết nối, tổ chức các sàn giao dịch việc làm để doanh nghiệp dễ dàng khi tuyển dụng; đầu tư thêm chung cư, nhà ở xã hội và nhà cho người thu nhập thấp cho công nhân; thêm khu lưu trú, nhà trẻ, khu vui chơi, công viên, trường học, trường dạy nghề đạt chất lượng để thu hút nhiều lao động về làm việc trong khu công nghiệp của tỉnh.
Ông Đỗ Văn Minh, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ MTK (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, vừa qua, có một số đối tác nước ngoài muốn đơn vị làm cầu nối giới thiệu đầu tư vào Đồng Nai nhưng gặp khó khăn về các chính sách, thủ tục, nhất là làm hồ sơ dự án vì liên quan đến nhiều đơn vị, sở ngành và sự chồng chéo của các luật, dẫn đến doanh nghiệp phải chờ đợi vài tháng, thậm chí cả năm mới có thể hoàn thành các thủ tục hành chính về đầu tư. Vì vậy, doanh nghiệp cũng đã có gửi thắc mắc cho lãnh đạo tỉnh để kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp khi triển khai dự án.
Nhìn nhận các dự án đầu tư thường bị vướng do chồng chéo, ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết: “Nhiều luật của chúng ta còn nhiều điểm vênh nhau nên rất khó khăn cho cơ quan quản lý tại các địa phương và doanh nghiệp FDI khi làm hồ sơ, thủ tục hành chính. Vì vậy, tỉnh cũng đã có những cuộc đối thoại với doanh nghiệp nước ngoài để kịp thời tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, giúp các doanh nghiệp có thể bỏ vốn đầu tư vào các dự án tại tỉnh nhà".
Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, để thu hút đầu tư FDI, sắp tới tỉnh Đồng Nai vẫn kiên định với mục tiêu tập trung thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, lao động có tay nghề, những dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hạn chế những dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, công nghệ lạc hậu, gây ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo theo đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, để thu hút đầu tư FDI những tháng cuối năm, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính để doanh nghiệp triển khai dự án mới. Song song đó, tỉnh cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát tiến độ từng dự án FDI trên địa bàn huyện, thành phố đối với những nhà đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện chậm tiến độ, qua đó thu hồi các dự án kéo dài đã lâu, tạo quỹ đất tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư có năng lực, đầu tư đúng định hướng của tỉnh; tiếp tục rà soát quy hoạch, quỹ đất đầu tư các khu công nghiệp để xây dựng các quy hoạch mới về đầu tư FDI phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tiếp tục công bố các dự án kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp FDI gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài quan tâm đầu tư vào tỉnh... Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị lập hồ sơ đề xuất đầu tư các dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thuận lợi.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận về mặt chủ trương cho Đồng Nai phát triển thêm 8 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 8.000 ha và các khu công nghiệp mới này đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ để trình duyệt. Sau khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ, dự báo tình hình thu hút vốn FDI của Đồng Nai trong thời gian tới sẽ có bước tăng trưởng đột phá.