Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tháng 3/2019 đạt 1,76 tỷ USD, tăng 70,82% so tháng 2. Tính chung quý I/2019, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 4,58 tỷ USD, tăng 7,05% so cùng kỳ. Trong khi, kim ngạch nhập khẩu của quý I đạt 3,89 tỷ USD. Như vậy quý I, Đồng Nai xuất siêu 690 triệu USD.
Lý do kim ngạch xuất khẩu tháng 3 tăng cao đột biến so với tháng trước, Sở Công Thương Đồng Nai, cho rằng do tháng 2 có thời gian nghỉ Tết dài, nên kim ngạch xuất khẩu đạt thấp, chỉ đạt 1 tỷ USD (giảm 42,26% so tháng 1). Đến tháng 3, các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất trở lại, đồng thời tận dụng tốt thị trường và các hiệp định thương mại tự do (FTA), nên kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trở lại.
Tuy nhiên, tính chung cả quý I/2019 kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh chỉ tăng 7,05% (thấp hơn so mục tiêu đề ra 10 - 12%).
Sở Công Thương Đồng Nai, cho biết một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh có mức tăng khá trong tháng 3 như: giày dép các loại, tăng 20,58%; hàng dệt may tăng 8,75%; sản phẩm gỗ tăng 10,95%; máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng tăng 19,12%; cao su tăng 47,94%.
Tại một số thị trường xuất khẩu chính của Đồng Nai cũng có mức tăng khá cao so với tháng trước, như Hoa Kỳ tăng 18,39%, Trung Quốc tăng 11,3%, Nhật Bản tăng 21%; các thị trường khác như Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Bỉ cũng tăng khá.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), lộ trình cắt giảm thuế quan sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có lợi khi tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Nhưng trong quý I/2019 (ngay sau khi CPTPP có hiệu lực ngày 14/01/2019), tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA của doanh nghiệp Việt Nam mới đạt trung bình 30 - 35%.
Theo nhận định Sở Công Thương Đồng Nai, xuất khẩu sẽ tăng tốc ở các quý sau, nhất là các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá. Đây là những nhóm ngành sẽ tận dụng các lợi thế mà CPTPP mang lại, đặc biệt là tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA.