Người dân xem thông báo tăng phí dịch vụ y tế tại Bệnh viện quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Tổng cục Thống kê vừa công bố, vùng Đông Nam Bộ đứng vị trí đắt đỏ nhất trong cả nước trong năm 2016.
Theo đó, trong năm 2016, có 4 tỉnh tăng dịch vụ giáo dục với mức tăng từ 4,36% đến 35,64%. Có 2 tỉnh tăng giá dịch vụ y tế là Thành phố Hồ Chí Minh tăng 44,47% và tỉnh Bình Dương tăng 64,07%. So với vùng Đồng bằng sông Hồng (bằng 100%), chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) của vùng Đông Nam Bộ là 101,73%.
Theo phân tích của Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê, chỉ số của vùng này cao hơn hầu hết ở các nhóm hàng: may mặc, nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông và bưu chính viễn thông, … với mức giá bình quân cao hơn từ 0,3% đến 7,57%. Chỉ số giá SCOLI của vùng Đông Nam Bộ cao nhất cả nước ở nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (103,93%); trong đó, giá thuê nhà ở của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có mức giá cao so với các tỉnh khác.
Đứng thứ hai là Vùng Trung du và vùng núi phía Bắc có chỉ số SCOLI bằng 101,33% so với Vùng Đồng bằng Sông Hồng. Trong đó, có 10 nhóm hàng có mức giá bình quân tăng cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng do đây là vùng núi cao, nhiều loại hàng hóa không được sản xuất tại chỗ mà phải đưa từ miền xuôi lên, trong khi đó đường xá đi lại khó khăn, nên giá cước vận tải hàng hóa cao.
Bên cạnh đó, trong năm 2016 hầu hết các tỉnh trong Vùng Trung du và vùng núi phía Bắc đều đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế cả 2 bước theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2015 nên chỉ số giá nhóm y tế của vùng này tăng 6,9% so với vùng Đồng bằng sông Hồng, cao nhất cả nước. Riêng nhóm giáo dục có mức giá bình quân thấp hơn vùng Đồng bằng sông Hồng (96,73%) do các tỉnh trong vùng chưa tăng hết giá dịch vụ giáo dục theo lộ trình của Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng có chỉ số SCOLI thấp nhất cả nước từ năm 2014 đến nay, so với vùng Đồng bằng sông Hồng là 98,29%. Trong 11 nhóm hàng, có 9 nhóm có mức giá thấp hơn mức giá bình quân vùng Đồng bằng sông Hồng do đây là vùng có địa hình bằng phẳng, điều kiện khí hậu và thủy văn thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ trong việc sản xuất nông nghiệp nên các mặt hàng lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình có mức giá thấp. Hai nhóm có mức giá bình quân cao hơn vùng Đồng bằng sông Hồng là nhóm: đồ uống và thuốc lá (100,03%), chủ yếu nhóm hàng bia chai Hà Nội và các loại nước lon ép, nước hoa quả và nhóm bưu chính viễn thông (106,18%) tăng cao hơn chủ yếu ở một số loại điện thoại di động.
Các vùng có mức độ “đắt đỏ” hơn vùng Đồng bằng sông Hồng (sau vùng Đông Nam Bộ và vùng Trung du và miền núi phía Bắc) là vùng Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Cụ thể, chỉ số giá SCOLI của vùng Tây Nguyên là 101,11% so với vùng Đồng bằng sông Hồng với 11 nhóm hàng có mức giá cao hơn từ 0,6% đến 5,6%. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế có mức giá bình quân cao nhất (105,62%). Năm 2016, có 4 trong 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên tăng giá dịch vụ y tế với mức tăng từ 22,79% đến 79,10%.
Chỉ số giá SCOLI vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 100,32% so với vùng Đồng bằng sông Hồng; trong đó có 7 nhóm hàng có mức giá cao hơn không đáng kể từ 0,3% đến 8%. Trong đó, nhóm bưu chính có mức giá cao nhất (bằng 108,06%), tiếp đến là nhóm thuốc và dịch vụ y tế bằng 104,6% so với vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số SCOLI là chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định (thường là một năm). Chỉ số SCOLI nhằm phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương…