Đến năm 2025 tỉnh Đồng Tháp hướng đến mục tiêu phát triển vùng sản xuất nguyên liệu sen tập trung với diện tích khoảng 1.400 ha, sản lượng ước đạt 1.148 tấn; có thêm 60 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh; trong đó, có ít nhất 1 sản phẩm chiết xuất từ sen; nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình OCOP; xây dựng các sản phẩm từ sen phục vụ phát triển du lịch và Lễ hội Sen.
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã ra kế hoạch phát triển ngành hàng sen đến năm 2025, theo đó ngành hàng sen của tỉnh hướng theo mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”; phát triển sản phẩm theo hướng chất lượng, an toàn, có giá trị gia tăng cao, theo nhu cầu thị trường, an toàn thực phẩm và bền vững; tăng cường liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến một cách đồng bộ, tạo vùng nguyên liệu ổn định, tạo ra sản phẩm đủ số lượng, chất lượng và với giá cạnh tranh; nâng cao các giá trị văn hóa, du lịch từ sen.
Qua đó, phát triển ngành hàng sen được ứng dụng giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất đối với các giống sen chuyên biệt, phục vụ cho các nhu cầu khác nhau như hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết suất từ sen; tập trung nghiên cứu, đẩy nhanh dự án thí điểm 100 ha vùng trồng tại huyện Tháp Mười để đưa ra được giống sen phù hợp với điều kiện tự nhiên, mở rộng sản xuất. Mô hình canh tác sen an toàn, chuyển đổi sang hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ và du lịch trải nghiệm; các mô hình được cấp mã số vùng trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ được tập trung thực hiện từ nay đến năm 2025.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác và đầu ra cho người nông dân, phòng ngừa các bệnh phổ biến trên cây sen (bệnh thối ngó, chạy dây ở cây sen), phát triển cây sen theo hướng sản xuất sạch, an toàn.
Ngoài trồng sen lấy gương, lấy ngó, lấy lá. Cây sen Đồng Tháp vừa qua có hàng trăm sản phẩm được công nhận OCOP từ sen, các sản phẩm làm ra từ bột sen, bột sữa sen, sữa sen, vải dệt từ tơ sen, quà lưu niệm từ sen… Điển hình với các sản phẩm làm thức ăn, nước uống, nổi bật có dược sĩ Ngô Khánh Huy, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Thu ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười với sản phẩm trà lá sen mang tên Hà Diệp Liên. Anh Huy còn nghiên cứu, chế biến nhiều sản phẩm khác từ sen như: trà hoa sen, nhang sen, rượu sen, thực phẩm chức năng từ sen....
Để đạt nhiều sản phẩm OCOP từ sen, vừa qua ở huyện Tháp Mười ngày càng đa dạng. Việc sản xuất sen ở Tháp Mười hiện nay không chỉ dừng lại ở bán sen tươi, mà chuyển dần sang sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị của cây sen, có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP như: trà hoa sen, trà tim sen, trà lá sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy. Từ đó nâng cao giá trị của cây sen, từ năm 2019 đến nay huyện Tháp Mười có 13 sản phẩm từ sen đạt hạng OCOP từ 3 đến 4 sao.
Nổi bật vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công bố Top 100 món ăn đặc sản và Top 100 đặc sản quà tặng của Việt Nam năm 2021 -2022; trong đó, có rượu Hồng Sen Tửu của huyện Tháp Mười được lọt vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam. Rượu Hồng Sen Tửu mang đậm hương vị sen thì phải qua thời gian ngâm ủ từ 6 đến 16 tháng, thành phần chính của rượu là nếp, men, củ sen, hạt sen và tim sen. Vì vậy rượu sen sẽ có hương vị đặc trưng của sen và nếu uống ngày 1 - 2 ly rượu sen mỗi ngày sẽ rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, với mẫu mã sang trọng, đa dạng, hồng sen tửu Tháp Mười thật sự là đặc sản làm quà rất ý nghĩa để tặng cho người thân, bạn bè.
Tỉnh Đồng Tháp chú trọng thực hiện tốt công tác thông tin, phát triển nhận thức xã hội về thị trường tiêu thụ, sản phẩm OCOP từ sen, từ đó khuyến khích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Phát triển và mở rộng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,thực hiện chương trình OCOP như: cải tiến kỹ thuật sản xuất, bảo quản, chế biến sen gắn phát triển du lịch làng nghề; phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP gắn dịch vụ truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn. Phát triển, đa dạng các sản phẩm nhằm gia tăng giá trị cây sen thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, thuốc, mỹ phẩm.