Đợt 1 lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân đạt thấp hơn từ 10 - 20%

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến 15h ngày 16/1, diện tích có nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 181.446 ha, đạt 37,1% diện tích gieo cấy theo kế hoạch (tăng 5,8% so với ngày 15/1).

Chú thích ảnh
Trạm bơm Như Trác phục vụ nước tưới cho hơn 6.480 ha đất nông nghiệp của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cụ thể: Phú Thọ đạt 83,5% diện tích gieo cấy, Nam Định 60,5%, Ninh Bình 43,4%, Hà Nam 42,5%, Vĩnh Phúc 35,4%, Hải Phòng 31,1%, Thái Bình 31%, Hải Dương 29,2%, Hà Nội 20%, Hưng Yên 14,7%, Bắc Ninh 11,7%.

Đến 24 giờ ngày 16/1, việc lấy nước đợt 1, phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2024 - 2025, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ kết thúc. 

Theo Cục Thủy lợi, so sánh với các năm trước đây, diện tích có nước của đợt 1 thấp hơn từ 10 - 20%. Nguyên nhân do trước và trong đợt 1, cả khu vực Bắc Bộ hầu hết không có mưa, đồng ruộng khô nên làm tăng lượng nước phục vụ làm đất. Đợt 1 tương đối sớm nên diện tích có nước trước đợt 1 chỉ đạt 8% (41.548 ha), thấp hơn các năm trước từ 10 - 20%.

Để bảo đảm dâng mực nước cho hạ du, các hồ chứa thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà đã tăng cường phát điện từ 12h ngày 9/1/2025 (trước ngày lấy nước đầu tiên 2,5 ngày). Mực nước sông Hồng tại trạm Thủy văn Hà Nội trong đợt 1 trung bình đạt 1,47 m, cao nhất đạt 1,95 m. Tổng lượng xả của các hồ chứa thủy điện trong đợt 1 là trên 1,36 tỷ m3 nước.

Mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội trong đợt 1 lấy nước tập trung thấp hơn mức yêu cầu (trung bình 1,7 m) trong tất cả các ngày lấy nước, trung bình cả đợt đạt 1,47 m, cao nhất đạt 1,95 m (ngày 14/1/2025). Thời gian duy trì mực nước từ 1,7 m trở lên đạt khoảng 30% (36 giờ/120 giờ). Với mực nước trong đợt 1, các công trình thủy lợi đã được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, các trạm bơm dã chiến đủ điều kiện để vận hành lấy nước. 

Tuy nhiên, khả năng đẩy mặn chưa tốt, xâm nhập mặn ở vùng hạ du sông Thái Bình (thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương) ở mức cao đã ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của một số công trình, các cống Cầu Xe và An Thổ chỉ bắt đầu vận hành được từ ngày 15/1 (ngày thứ 4 của đợt lấy nước).

Chú thích ảnh
Nông dân chuẩn bị làm đất để gieo cấy lúa vụ Đông Xuân ở cánh đồng thôn Bối Hạ, xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Sau đợt 1, các địa phương vẫn tiếp tục vận hành công trình thủy lợi lấy nước bằng các trạm bơm dã chiến, lợi dụng thủy triều... Dự kiến đến trước đợt 2 lấy nước, diện tích đủ nước để làm đất sẽ tăng lên khoảng thêm 10 - 15% (đạt khoảng 50 - 55%, đạt mức dự báo) và toàn bộ diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân sẽ được cấp đủ nước trong đợt 2 lấy nước.

Dự kiến, đợt 2 lấy nước sẽ thực hiện theo kế hoạch, bắt đầu từ 0 giờ ngày 8/2 đến 24 giờ ngày 14/2/2025 (tổng cộng 7 ngày). Các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện trước khoảng 2-3 ngày, dòng chảy được duy trì ở mức cao (mực nước dự kiến trung bình đạt khoảng 1,7 - 1,9 m tại trạm Thủy văn Hà Nội) nên các công trình thủy lợi sẽ có điều kiện thuận lợi để lấy nước.

Cục Thủy lợi cho biết, tùy thuộc vào tiến độ lấy nước, đợt 2 có thể điều chỉnh linh hoạt để bảo đảm tiết kiệm nước.

Bích Hồng (TTXVN)
Hơn 31% diện tích đã có nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân
Hơn 31% diện tích đã có nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến 16h ngày 15/1, diện tích có nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 153.294 ha, đạt 31,4% (tăng 7% so với ngày 14/1).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN