Bà Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Việt Nam có thể vượt mức chỉ tiêu 6,6 - 6,8% của Quốc hội đề ra; trong đó, tăng trưởng của các ngành kinh tế lần lượt là: nông lâm thủy sản đạt 3,02%, công nghiệp và xây dựng đạt 8,61%, dịch vụ đạt 6,84%. Lạm phát bình quân năm 2019 dự kiến ở mức khoảng 3,13% so với kế hoạch đề ra làm kiểm soát dưới 4%.
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, trong 6 tháng đầu năm, trong bối cảnh thương mại, đầu tư toàn cầu không khả quan như dự báo, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều yếu tố rủi ro gia tăng, đáng chú ý là căng thẳng giữa các nền kinh tế lớn, kinh tế Việt Nam vẫn đạt nhiều kết quả tích cực.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng toàn nền kinh tế đạt 6,76%, thấp hơn mức tăng 7,08% của 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, con số này vẫn cho thấy triển vọng lạc quan của nền kinh tế khi tốc độ tăng cao hơn so với đà tăng trưởng của 6 tháng các năm 2011-2017.
Theo TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định nhưng phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Đó là thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn với dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng; tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực và giải ngân vốn đầu tư công còn thấp.
Theo đại diện NCIF, trong thu hút đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc gia tăng với mức trên 2,2 tỷ USD; đồng thời, đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng mua bán và sáp nhập khi tăng tới gần 200% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, trong 6 tháng, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do tác động bất lợi của kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, do xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào khu vực đầu tư nước ngoài, đặc biệt là một số tập đoàn lớn như Samsung. Kết quả kinh doanh không khả quan của Samsung do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thiết bị di động toàn cầu hiện nay cũng góp phần làm chậm lại tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019...
Theo TS. Đặng Đức Anh, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ một cách thận trọng nhằm duy trì ổn định tỷ giá, lãi suất; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; đồng thời, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân để bù đắp sự sụt giảm của khu vực chế biến chế tạo.
Ngoài ra, Chính phủ cũng tăng cường các biện pháp chống gian lận thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp; thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.