Với những tín hiệu từ thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản trong quý III sẽ đạt khoảng 2,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, sau khi tăng mạnh lên đến 17% trong quý I với gần 1,8 tỷ USD, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong quý II đã tăng chậm lại ở mức 5,7%, đạt 2,2 tỷ USD. Nguyên nhân của sự chững lại này là do giá tôm giảm mạnh trong bối cảnh nguồn cung tôm thế giới đều tăng, khiến xuất khẩu tôm chỉ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ.
Sang tháng 7, nhờ xuất khẩu tôm có dấu hiệu hồi phục đã kéo xuất khẩu thủy sản của cả nước tăng 7% so với cùng kỳ, ước đạt khoảng 793 triệu USD. Tính chung 7 tháng của năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4,78 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định của các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản hiện đang còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ các thị trường nhập khẩu. Đơn cử như rào cản thuế chống bán phá giá ở tôm và cá tra tại thị trường Mỹ, truyền thông bôi nhọ cá tra ở EU, “thẻ vàng” về IUU, xu hướng bảo hộ mậu dịch thông qua các rào cản kỹ thuật… Tuy vậy, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong ngành sẽ tiếp tục vượt khó, tận dụng các cơ hội từ thị trường để đưa xuất khẩu thủy sản tăng tốc những tháng cuối năm.
Đối với ngành tôm, nhu cầu tiêu thụ tôm trên thị trường hiện có xu hướng tăng trở lại, giá tôm nguyên liệu trong nước cũng đang dần bình ổn và có xu hướng tăng, nông dân sẽ an tâm đầu tư nuôi tôm. Do vậy, xuất khẩu tôm được dự báo sẽ hồi phục trong những tháng tiếp theo. Đồng thời, giá tôm cũng sẽ tăng trở lại trong khoảng tháng 9-10/2018. Trong 7 tháng năm nay, xuất khẩu tôm đạt gần 2 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài xuất khẩu tôm đang có xu hướng phục hồi, VASEP cũng dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tăng mạnh hơn trong quý III/2018 và những tháng cuối năm, ước tăng khoảng 30%. Đồng thời, các sản phẩm hải sản như cá ngừ sẽ vẫn tăng khoảng 15%; mực và bạch tuộc tăng khoảng 10%.