Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng năm 2024, lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh đạt 7,392 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, 74,2% lượng kiều hối chuyển về thành phố thông qua tổ chức kinh tế (các công ty kiều hối), còn lại là qua các tổ chức tín dụng.
Mặc dù kiều hối quý III/2024 chuyển về TP Hồ Chí Minh ghi nhận giảm 4,1% so với quý II/2024, song lượng kiều hối chuyển về trong 9 tháng vẫn bằng 78,1% so với cả năm 2023 (là năm có lượng kiều hối chuyển về cao nhất, đạt 9,46 tỷ USD).
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 53,8% tổng lượng kiều hối chuyển về) và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt nhất, tăng 24,1% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, kiều hối chuyển về từ châu Mỹ tăng 4,4%; châu Đại Dương tăng 20%; châu Âu giảm 19,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, riêng quý III/2024, kiều hối chuyển về từ các khu vực đều giảm, song từ khu vực châu Âu tăng 22,8% so với quý II/2024.
“Dù ghi nhận giảm nhẹ, song dự báo lượng kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh sẽ vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm trong năm 2024. Xu hướng này gắn liền với tốc độ tăng trưởng kiều hối quý cuối năm, thường tăng cao hơn so với các quý trước. Chính sách kiều hối tiếp tục phát huy, thị trường lao động mở rộng, kinh tế phục hồi... sẽ là cơ sở đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kiều hối trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đức Lệnh nhận định.
Diễn biến này cũng tương đồng với hoạt động kinh doanh của các công ty kiều hối lớn trong thời gian qua. Tại Công ty Kiều hối Vietcombank (VCBR), doanh số chi trả kiều hối của VCBR trong 9 tháng năm 2024 đạt khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ và tương đương doanh số chi trả của cả năm 2023.
Ước tính, lượng kiều hối hợp nhất của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 9 tháng ước đạt 4,5 tỷ USD. Dự kiến kiều hối về Vietcombank trong cả năm nay khoảng 5,5 tỷ USD.
Theo ông Trịnh Hoài Nam, Giám đốc VCBR, hiện lượng kiều hối chuyển về nước thông qua các công ty kiều hối có tốc độ tăng trưởng nhanh. Ngoài cá nhân Việt kiều tại nước ngoài thì một số tổ chức kinh tế (do người Việt lập ra ở nước ngoài) cũng có nhu cầu.
Qua ghi nhận của VCBR, kiều hối chuyển về Việt Nam năm nay vẫn chủ yếu từ các thị trường có lao động xuất khẩu lớn, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc); trong đó, thị trường Hàn Quốc có sự tăng trưởng mạnh trong 9 tháng năm nay.
Các công ty kiều hối cũng cho biết, lượng kiều hối đổ về TP Hồ Chí Minh sẽ còn tăng mạnh trong quý IV/2024, bởi đây cũng gần dịp Tết Nguyên đán, kiều bào có xu hướng gửi tiền về cho người thân hoặc đầu tư.
Ngoài xu hướng mùa vụ, kiều hối chuyển về TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ tích cực hơn thời gian tới khi thành phố này đang triển khai một loạt giải pháp hút kiều hối thông qua Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030”.
Đề án nêu các chính sách để thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối, như định hướng nguồn kiều hối tham gia vào thị trường tài chính (thị trường chứng khoán, cổ phiếu...) hình thành kênh dẫn vốn từ người nhận kiều hối với mục đích tiết kiệm đến người kinh doanh. Hỗ trợ chuyển vốn từ người không có cơ hội đầu tư sinh lợi đến những người có cơ hội đầu tư sinh lợi…
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, các giải pháp thu hút kiều hối của đề án sẽ được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực như mạng lưới và dịch vụ chi trả kiều hối, thông tin truyền thông, các giải pháp về thực hiện chính sách thu hút kiều hối; chính sách phát triển thị trường lao động và cải thiện môi trường đầu tư và phát triển du lịch thương mại và giải pháp kinh tế để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối… Đây sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo duy trì và tăng trưởng nguồn kiều hối chuyển về trong thời gian tới.
Riêng ngành ngân hàng thành phố sẽ tập trung các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối. Ngoài việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại để phát triển dịch vụ chi trả, chuyển tiền, đơn vị này sẽ chỉ đạo hệ thống ngân hàng và các công ty kiều hối trực thuộc ngân hàng đẩy mạnh truyền thông để người dân, người thụ hưởng nắm bắt rõ thông tin và vấn đề liên quan đến kiều hối. Từ đó, người dân không chỉ sử dụng dịch vụ kiều hối thuận lợi mà còn có được hiệu quả cao nhất từ nguồn kiều hối nhận được thông qua các hoạt động đầu tư dự án, đầu tư các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…