Việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm đảm bảo tính đồng nhất, phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành; đồng thời, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị về đất đai. Để làm rõ hơn những nội dung này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Xin ông cho biết việc sửa đổi Luật Đất đai có đóng góp gì trong quá trình tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với thị trường bất động sản và cuộc sống của người dân?
Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở rà soát, tổng kết thực tiễn thi hành chính sách pháp luật về đất đai thời gian qua. Các nội dung tại Dự thảo Luật được quan tâm sửa đổi tập trung vào những vấn đề về giao đất, cho thuê đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng; chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định trong trường hợp giao đất, cho thuê đất trả tiền hàng năm; các cơ chế tài chính, quỹ, giá đất; các quy định về phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính … Cùng với quá trình sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản cũng được sửa đổi và được Quốc hội thông qua. Đây là những căn cứ pháp lý có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản. Việc sửa đổi các Luật nêu trên nhằm mục tiêu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Việc thông qua Dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý để phát huy có hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Mặc dù vậy, quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và toàn bộ Dự thảo Luật còn cần thêm thời gian để bảo đảm chất lượng tốt nhất có thể của Dự thảo Luật. Với vai trò hết sức quan trọng của Luật Đất đai, chất lượng của Dự thảo Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Các dự thảo Nghị định và văn bản hướng dẫn Luật cần thêm thời gian để hoàn thiện đồng bộ, bảo đảm có hiệu lực cùng lúc với hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, nhất là một số nội dung mới về giá đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất... cần có quy định chi tiết để chính sách của Luật đi vào cuộc sống.
Ông đánh giá như thế nào về quá trình lấy ý kiến góp ý của cử tri và nhân dân cả nước đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này, thưa ông?
Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổng kết, đánh giá Luật Đất đai năm 2013 và có báo cáo đánh giá tác động của các chính sách sửa đổi đến kinh tế, xã hội, đến người dân, doanh nghiệp để đề xuất lựa chọn phương án phù hợp nhất, đảm bảo tính khả thi trên thực tế và góp phần vào quá trình phát triển kinh tế đất nước. Trong quá trình lấy ý kiến của cử tri và nhân dân trên cả nước, phần lớn các ý kiến quan tâm đến nội dung: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; về đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; về thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; về chế độ, quản lý sử dụng các loại đất… Điều này cho thấy sự quan tâm của xã hội một cách toàn diện đến Luật Đất đai, càng cho thấy vai trò quan trọng của Luật Đất đai đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tại Kỳ họp thứ 6, khóa XV, Quốc hội đã lùi thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát. Theo ông, Ban soạn thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có bước triển khai gì để dự thảo Luật được thông qua tại Kỳ họp tới?
Luật Đất đai được sửa đổi trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, các kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết của Quốc hội và kết quả tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, đồng thời bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các cơ quan của Quốc hội để rà soát chính sách, pháp luật còn chưa thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai, đặc biệt là các nội dung chính sách lớn, phức tạp trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới.
Trân trọng cảm ơn ông!