Đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh đến gần hơn với người tiêu dùng

Sâm Ngọc Linh được ví như "Quốc bảo của Việt Nam" bởi 52 hợp chất saponin, cao hơn cả những loại sâm nổi tiếng trên thế giới như sâm Hàn Quốc hay sâm Triều Tiên.

Cũng chính vì sự quý hiếm nên giá thành khá cao, chưa nhiều người tiêu dùng trong nước có thể tiếp cận được loại sâm quý. Chính vì vậy, việc tạo ra các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có giá thành thấp hơn so với sâm củ đã và đang được các công ty, doanh nghiệp cũng như tỉnh Kon Tum triển khai mạnh mẽ. Đây không chỉ là ước muốn của đơn vị sản xuất, người tiêu dùng, mà còn là ước muốn của Dược sỹ Đào Kim Long - người phát hiện ra sâm Ngọc Linh năm 1973 - trong việc việc đưa sâm Ngọc Linh đến với tất cả mọi người dân.

Chú thích ảnh
 Cây sâm Ngọc Linh được nhổ ở vườn ươm trước khi đi trồng. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN

Hành trình tìm và bảo tồn sâm Ngọc Linh

Tìm thấy sâm Ngọc Linh vào năm 1973, song Dược sỹ Đào Kim Long vẫn cho rằng việc phát hiện ra loài sâm quý này hoàn toàn may mắn. Bắt đầu di chuyển từ rằm tháng 10 (âm lịch) năm 1972 từ vùng Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) với thành viên đoàn chỉ có ba người, băng rừng, lội suối, đến tháng 3/1973, đoàn của Dược sỹ Đào Kim Long mới tìm thấy sâm Ngọc Linh.

Trước khi đến tìm sâm ở Ngọc Linh, Dược sỹ Đào Kim Long đã tìm hiểu cung sâm miền Bắc ở Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa nhưng không thấy, chỉ có tam thất. Sau đó, ông đi dọc Tây Trường Sơn từ Hòa Bình vào cũng không gặp. Rồi ông chuyển qua Đông Trường Sơn, xuống Thăng Bình (Quảng Nam), Hoài Ân, Hoài Nhơn (Bình Định). Tháng 6/1972, trong một cuộc họp các thầy thuốc ở Trung Trung bộ, các thầy thuốc công bố phát hiện khoảng 800 loại cây thuốc ở Đông và Tây Trường Sơn. Lúc đó, Dược sỹ Đào Kim Long cho rằng, trên đỉnh Ngọc Linh, chúng ta có thể tìm được sâm.

Nhớ lại thời điểm phát hiện ra sâm Ngọc Linh, Dược sỹ Đào Kim Long kể: "Lúc đó, tôi và dược sỹ Nguyễn Thị Lê đi trước, học trò của tôi là Châu Giang đi sau. Bỗng Giang bứt được ngọn cây sâm và chạy lên hỏi tôi đây là cây gì, tôi liền hỏi vị trí của cây rồi dùng dao đào lên, thấy có củ. Khi đưa củ lên miệng, linh tính bảo với tôi đây chính là một loài sâm quý".

Theo Dược sỹ Đào Kim Long, sâm Ngọc Linh có loại kháng sinh thực vật mạnh hơn 20 lần so với thuốc kháng sinh penicillin, tiêu diệt được vi khuẩn, vius, nên có thể chống được COVID-19, chống được ung thư. Tuy nhiên, thời điểm mới phát hiện, nhằm tránh sự tìm kiếm và khai thác của địch nên Khu ủy Khu V gọi là "Cây có đốt". Tuy nhiên, đến những năm 90 của thế kỷ trước, do bị khai thác quá mức, sâm Ngọc Linh lại đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Ông Phạm Ngọc Minh, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum (giai đoạn 1996 - 2007) cho biết, ngay sau khi tách tỉnh Kon Tum ra từ tỉnh Gia Lai - Kon Tum (năm 1991), Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cho Sở thực hiện nhiệm vụ tham mưu các cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế chính sách phục vụ cho việc nghiên cứu về sâm Ngọc Linh của các nhà khoa học; hỗ trợ cho người dân bản địa trồng sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, việc xây dựng vùng trồng sâm Ngọc Linh vẫn còn ở mức quy mô nhỏ.

Sự vào cuộc của các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty  cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đầu những năm 90 của thế kỷ XX đã đánh dấu sự "hồi sinh" mạnh mẽ của cây sâm Ngọc Linh. Đến nay, sau 25 năm, từ mong muốn ban đầu là giữ được một loại dược liệu quý cho địa phương, vườn sâm của các công ty trên đỉnh núi Ngọc Linh đã phát triển lên tới hàng nghìn ha. Mỗi năm sản xuất hàng triệu cây giống để mở rộng diện tích và cung cấp cho người dân trong vùng, chính thức giúp sâm Ngọc Linh thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Đưa sâm đến gần hơn với người tiêu dùng

Chú thích ảnh
Sâm Ngọc Linh được xem như “Quốc bảo” của Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Đến nay, bên cạnh các sản phẩm sâm Ngọc Linh khai thác nguyên cây, củ, các đơn vị, doanh nghiệp đã đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Trong đó, nổi bật là sản phẩm nước tăng lực, rượu sâm Ngọc Linh K5, mật ong sâm Ngọc Linh, trà sâm Ngọc Linh, dịch chiết sâm Ngọc Linh...

Theo ông Trần Hoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, việc tạo ra các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có giá thành hợp lý sẽ giúp đa phần người dân có thể mua được. Từ đó, bổ sung các thành phần quý từ sâm Ngọc Linh cho cơ thể, tăng cường sức khỏe cho bản thân và gia đình.

"Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học vào sản xuất, nỗ lực nhân rộng vùng sâm Ngọc Linh, đưa sâm Ngọc Linh thành những sản phẩm có giá thành phù hợp với người tiêu dùng, giúp mọi người dân đều có thể tiếp cận, sử dụng cải thiện sức khoẻ. Sau khi đủ cho người tiêu dùng trong nước, chúng tôi sẽ hướng đến xuất khẩu", ông Trần Hoàn khẳng định.

Dược sỹ Đào Kim Long cũng rất phấn khởi với những sản phẩm được làm từ loại dược liệu quý do chính ông làm ra: "Hiện nay, các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đã phát triển rực rỡ rồi, như nước uống, nước tăng lực, phở sâm Ngọc Linh, điều đó là rất mừng, vì đang góp phần lớn cho việc đưa sâm Ngọc Linh đến với người tiêu dùng, hiện thực hóa được ước mơ của tôi".

Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay, Kon Tum đã thực hiện thành công việc bảo tồn và phát triển các vườn sâm Ngọc Linh, diện tích ngày một mở rộng. Trong đó, có sự đóng góp lớn của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, đã phát triển thành công vườn cây lên hàng ngàn héc ta từ 1 đến 25 năm tuổi. Tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục đồng hành và kêu gọi các nhà khoa học, người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay góp sức nhằm phát huy hơn nữa giá trị quý hiếm của loài sâm Ngọc Linh.

Theo Tiến sỹ Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, Bộ Y tế, Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đã được Chính phủ phê duyệt có nội dung đưa cây dược liệu vào, trong đó có sâm Ngọc Linh. Bộ Y tế đã giao cho Viện Dược liệu tư vấn cho các địa phương về vùng trồng cũng như quy hoạch được trung tâm giống để cung cấp giống sâm Ngọc Linh cho các vùng trồng.

"Với chuyên môn, lĩnh vực của mình, Viện Dược liệu sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp cũng như các cơ quan đang gặp khó khăn trong quá trình phát triển sâm Ngọc Linh, cùng đồng hành để đưa cây sâm Ngọc Linh phát triển hơn nữa trong tương lai", Tiến sỹ Phan Thúy Hiền nhấn mạnh.

Với sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng như quyết tâm phát triển sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum, của các công ty, doanh nghiệp, sâm Ngọc Linh chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh "Quốc bảo của Việt Nam" như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng chia sẻ. Qua đó, đưa các sản phẩm từ một loại sâm quý của Việt Nam đến tay của mỗi người tiêu dùng Việt.

Dư Toán (TTXVN)
Sâm Ngọc Linh sinh trưởng tốt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà
Sâm Ngọc Linh sinh trưởng tốt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa đánh giá và nghiệm thu kết quả đề tài “Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà”. Đây là đề tài cấp tỉnh, do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà chủ trì thực hiện, tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, được triển khai từ năm 2019 đến tháng 6/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN