Theo các chuyên gia kinh tế, những năm gần đây, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Hàng nghìn điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính đã được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa, tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp. Song tính thực chất của tiến trình cải cách luôn được đặt ra. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, tốc độ cải cách thể chế ở một số ngành và lĩnh vực dường như đang có dấu hiệu chững lại, tác động tới tiến trình phục hồi sau đại dịch.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước có 78,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Song lại có tới 77 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn cho biết, môi trường đầu tư của Việt Nam chưa có sự đột phá mạnh về cơ chế quản lý kinh doanh có điều kiện, vẫn nặng cơ chế tiền kiểm và ít liên thông về thủ tục hành chính.
“Rủi ro thị trường thì có thể không tránh được, nhưng làm sao đừng để doanh nghiệp phải chịu rủi ro chính sách. Tôi cho rằng, đằng sau số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường thì bên cạnh những doanh nghiệp do không còn cơ hội kinh doanh, cũng không ít doanh nghiệp rời bỏ do pháp luật thay đổi, cơ chế không còn phù hợp. Điều này cần phải tìm căn nguyên để khắc phục”, ông Tuấn nói.
Báo cáo dòng chảy kinh doanh 2022 do VCCI công bố tháng 4/2023 tổng hợp ý kiến từ nhiều doanh nghiệp và hiệp hội cũng cho thấy, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, các cơ quan quản lý Nhà nước tập trung vào việc xây dựng, ban hành các Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của từng bộ, ngành và phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các đơn vị, cơ quan ngang bộ. Bên cạnh đó, các bộ cũng chủ trì soạn thảo, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản.
Cụ thể trong năm 2022, các phương án cắt giảm, đơn giản hóa được phê duyệt về cơ bản tập trung vào những vấn đề không mới. Chủ yếu chỉ là bãi bỏ các tài liệu trong hồ sơ mà cơ quan cấp phép đã có hoặc tra cứu được trong hệ thống dữ liệu thông tin của cơ quan Nhà nước; bổ sung phương thức điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính. Một số thủ tục sẽ được thực hiện ở dịch vụ công cấp độ 4. Một số thủ tục thực hiện theo phương thức điện tử thông thường. Hay việc chuẩn hóa các tài liệu trong hồ sơ theo hướng ban hành một số mẫu tài liệu. Hoặc giảm số lượng hồ sơ phải nộp; giảm số thời gian giải quyết thủ tục - rút ngắn thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, thời gian thẩm định và trả kết quả….
Chuyên gia Nguyễn Thị Diệu Hồng, thành viên Nhóm nghiên cứu Báo cáo dòng chảy kinh doanh đánh giá, mặc dù, các bộ, ngành thể hiện tinh thần cải cách khá tích cực, song nhiều nội dung vẫn chưa thực chất. Các đề xuất cải cách chưa hướng vào việc tạo thuận lợi thực sự cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.
Tổng hợp ý kiến từ doanh nghiệp phản ánh, đề xuất cải cách của một số bộ, ngành cũng chưa “đủ mạnh”, chưa mang tính đột phá. Chưa kể đến, khá nhiều quy định vẫn bất cập, vướng mắc, gây khó cho doanh nghiệp. Thậm chí, có những quy định gần như thiếu vắng trong các phương án đề xuất của các bộ, ngành. Chính vì yếu tố này nên doanh nghiệp luôn đặt dấu hỏi về tính thực chất trong các hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Phản ánh thực trạng của doanh nghiệp, ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho hay, việc kết nối hệ thống cảng điện tử, hải quan điện tử đã giúp doanh nghiệp bỏ được thủ tục hải quan thanh lý tờ khai. Chỉ cần bỏ đi 1 thủ tục này đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm tới 500 triệu đô la Mỹ (USD)/năm so với việc làm bằng thủ tục giấy tờ thông thường. Tuy nhiên, tại Delta, nếu việc kiểm tra chuyên ngành được làm ở cấp độ cao nhất, doanh nghiệp còn có thể tiết kiệm tới 10% chi phí do giảm nhân lực.
Có thể thấy rằng, mặc dù tính ổn định của pháp luật kinh doanh là rất quan trọng; đặc biệt, đối với các dự án đầu tư. Tuy nhiên, khi thực tiễn thay đổi, hệ thống pháp luật cũng không thể “đứng yên” mãi mãi. Pháp luật kinh doanh cần được thường xuyên điều chỉnh kịp thời khi các điều kiện xã hội thay đổi, hoặc khi phát hiện ra các bất cập, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực thi.
Do đó, chậm trễ hoặc trì hoãn điều chỉnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nhất là vấn đề cải cách thủ tục hành chính cũng cần phải thực sự đánh giá đúng tính hiệu quả và phải có đề xuất giải pháp khắc phục. Quan trọng nhất là phải tìm điểm cân bằng để duy trì tính ổn định và tạo lập niềm tin kinh doanh, song song với việc phải điều chỉnh kịp thời để chính sách phù hợp hơn với thực tiễn khách quan.