The KAfe do start-up trẻ Đào Chi Anh gây dựng, từng được xem là biểu tượng của start-up Việt khi huy động được tới 5,5 triệu USD từ một nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều cơ sở kinh doanh của The KAfe tại các thành phố lớn đã được chuyển nhượng lại cho đơn vị khác.
Cà phê The KAfe đột ngột đóng cửa hàng loạt. Ảnh minh họa. |
Được thành lập từ năm 2013, sau 3 năm gây dựng và phát triển hệ thống, đến năm 2015, The Kafe đã nhận được khoản đầu tư ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Quỹ đầu tư Hongkong New Asia Partners (NAP). Theo đó, NAP sẽ sở hữu ít nhất 40% vốn của The KAfe, đồng thời giúp doanh nghiệp này phát triển thương hiệu, mở thêm nhà hàng trên phạm vi toàn quốc trong năm 2015-2016.
Nửa năm sau, The KAfe nhận thêm tin vui khi Quỹ đầu tư Cassia Investments - một quỹ góp vốn tư nhân tập trung vào ngành tiêu dùng ở thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc - quyết định rót 5,5 triệu USD cho chuỗi nhà hàng The KAfe. Tại thời điểm đó, KAfe Group cho biết khoản đầu tư này sẽ phục vụ kế hoạch mở rộng The KAfe trên toàn Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ sau ba năm hoạt động và hơn một năm nhận vốn "khủng" từ nhà đầu tư nước ngoài, những ngày tháng 4 này, chuỗi cửa hàng The KAfe tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh liên tục đóng cửa hoặc bị sang nhượng cho đơn vị khác.
Sự kiện The KAfe đóng cửa còn chưa lắng xuống, chuỗi cà phê nổi tiếng đến từ Australia Gloria Jean’s Coffees, cũng chia tay sau hơn 10 năm gia nhập thị trường Việt Nam.
Gloria Jean’s Coffees "nối gót" The KAfe. Ảnh minh họa.
|
Ngày 20/4, cửa hàng cuối cùng của thương hiệu cà phê tới từ Australia này tại Grand View, Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP Hồ Chí Minh) đã chính thức đóng cửa. Như vậy, thương hiệu Gloria Jean’s Coffees đã rời cuộc chơi tại Việt Nam. Trên Fanpage của Gloria Jean’s Coffees, những thông tin cập nhật mới nhất từ cuối năm 2016, website tại Việt Nam cũng đã đóng cửa.
Doanh nhân Hoàng Khải, chủ cửa hàng Gloria Jean’s Coffees cuối cùng vừa mới đóng cửa tại Việt Nam, cho biết, cửa hàng của ông là một trong những tiệm kinh doanh thành công nhất trong chuỗi Gloria Jean’s Coffees tại Việt Nam. Tuy nhiên, cửa hàng đã phải đóng cửa từ ngày 20/4. Lý do sự rút lui này được ông Khải đưa ra vì công ty mẹ bên Australia đã hết hợp đồng với công ty phía Việt Nam.
Việt Nam là thị trường tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ đồ uống, tuy nhiên việc xâm nhập thị trường không đơn giản. Trước Gloria Jean’s Coffees, một số ông lớn ngoại cũng đã phải ngậm đắng khi quá tự tin gia nhập thị trường Việt Nam.
Thương hiệu cà phê ILLY nổi tiếng tại châu Âu và trên thế giới vào Việt Nam cũng bị phá sản khi chỉ kịp mở 2 cửa hàng cà phê tại TP Hồ Chí Minh. Tháng 8/2016, chuỗi cà phê NYDC cũng từng phải rút lui khỏi Việt Nam sau 5 năm thâm nhập.
Thị trường đồ uống Việt Nam tuy béo bở nhưng cạnh tranh khốc liệt. |
Theo doanh nhân Hoàng Khải, Gloria Jean’s Coffees là thương hiệu nổi tiếng ở châu Á, nhưng phải rút khỏi Việt Nam do không biết cách thâm nhập vào một thị trường cà phê béo bở như Việt Nam.
Gloria Jean’s Coffees cũng đã không chịu đào sâu nghiên cứu thị trường với tính chất cạnh tranh khốc liệt ở mức độ cao. Ngoài ra, việc gia nhập thị trường mới còn mang tính chất may rủi, do thị trường quyết định chứ không phải cứ thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài mang vào Việt Nam là thành công.