Theo đánh giá của CPMB trên công trường, các đơn vị tham gia tổ chức ăn ở, hỗ trợ thi công rất tốt. Nhiều địa phương cũng tổ chức các lực lượng đoàn thanh niên, công đoàn hỗ trợ thi công. Đây cũng là dự án đầu tiên phát huy sức mạnh nội sinh, các đơn vị trong ngành điện được huy động để tham gia thi công mặc dù có những đơn vị điện lực chưa bao giờ thực hiện công việc này nhưng nay đều làm rất tốt. Cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến các địa phương, các đơn vị đều huy động lực thực hiện. Đây là điểm mới trong xây dựng lưới truyền tải điện từ xưa đến nay.
Phó Giám đốc CPMB Nguyễn Văn Tình cho biết, trong quá trình từ chuẩn bị đầu tư đến triển khai thực hiện, có nhiều tình huống liên tục xảy ra, tạo cho người tham gia dự án trưởng thành hơn, đặc biệt chỉ trong 6 tháng phải hoàn thành đóng điện thì chưa có dự án đường dây 500kV nào thực hiện được.
Được điều động và tham gia thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 từ ngày 17/5, sau hơn 2 tháng, anh Nguyễn Xuân Trường, Đội Truyền tải điện Tánh Linh, Truyền tải điện Bình Thuận (PTC3) chưa lần nào về nhà thăm gia đình. Vị trí 21 là vị trí thứ 3 đội tham gia tăng cường. Anh cho biết, là công nhân trèo cao, an toàn luôn phải đặt hàng đầu, nên ngoài khám sức khỏe định kỳ tại các đơn vị và trước khi trèo cao trên 500m phải đo huyết áp đúng quy định, dây an toàn sử dụng đúng quy trình quy phạm về an toàn điện. Đó là nguyên tắc của người công nhân phải đảm bảo an toàn cho mình, từ đó mới tự tin, làm chủ bản thân để điều hành công việc trên đó. Ngoài sức khỏe tốt thì tâm lý và kỹ năng là quan trọng nhất của người công nhân trèo cao.
Anh Trường tâm sự: “Trong thời tiết mưa dông, chỉ huy trưởng sẽ yêu cầu anh em tạm dừng công việc để rút xuống, vì liên quan đến sét. Khi xuống lại làm các công việc phía dưới, chứ không để thời gian chết. Cùng anh em trong đội, bản thân tôi cảm thấy vinh hạnh khi được đóng góp cho công trình này”.
“Được lãnh đạo Công ty thường xuyên thăm hỏi tại hiện trường, gửi thuốc men, thực phẩm chức năng động viên, tăng sức khỏe cho người lao động nên anh em công nhân luôn có động lực làm việc”, anh Phạm Ngọc Minh, đội phó đội Truyền tải điện Buôn Ma Thuột thể hiện quyết tâm.
Trong 32 cán bộ tham gia hỗ trợ của PTC3, ngoài 4 tài xế vận hành xe, còn lại công nhân đều đầy đủ sức khỏe và kỹ năng để đảm bảo công việc trèo cao. Ở các vị trí khó khăn khác, việc tuân thủ kỷ luật an toàn luôn được các anh đặt lên hàng đầu, vị trí nào chưa xong các anh đều đặt quyết tâm sẵn sàng nhận nhiệm vụ điều động tăng cường.
Được hỏi về tính chất công việc đang quản lý vận hành đường dây 500kV nên khi tham gia thi công xây lắp, anh Trường cho biết gặp thuận lợi là được tiếp xúc và va chạm với thực địa. Khi làm công việc không phải chuyên ngành xây lắp cũng chỉ bỡ ngỡ vài buổi đầu, sau đó thì tiếp cận và làm nhanh, không có gì quá khó khăn. Anh em cố gắng đọc kỹ bản vẽ thi công đúng nhất với bản vẽ thiết kế để đơn vị quản lý vận hành không gặp những vướng mắc về sau.
“Qua công việc này chúng tôi đúc kết thêm công việc xây dựng, chính bàn tay mình xây dựng thì sẽ biết được kết cấu các phần chịu lực, sau áp dụng sẽ thuận lợi hơn trong vào quản lý vận hành”, anh Trường chia sẻ.
Ông Lê Hồng Chương, đội phó đội Truyền tải điện Hà Nội 1 (PTC1) cũng chia sẻ: Anh em tham gia hỗ trợ thi công đường dây 500kV mạch 3 rất vui và cảm động vì trong thời gian thi công liên tục được các cấp, các ngành quan tâm, trang bị thêm các bảo hộ lao động, đảm bảo cho công nhân chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, bù đắp sức khỏe làm việc. Thêm nữa lãnh đạo các đơn vị, EVNNPT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các ngành đều thăm hỏi, động viên anh em trên tuyến, từ đó tạo động lực cho công nhân thi công trên công trường đóng góp sức mình cho dự án có ý nghĩa này.
“Trong đoàn được điều động hỗ trợ có người đi từ 19/5, hết vị trí này lại điều động sang vị trí khác. Tại công trình có tiến độ gấp rút như hiện nay, công tác truyền thông cũng mạnh nên mọi người đều biết là công trình trọng điểm, tiến độ từ Thủ tướng giao xuống. Từ đó gia đình thông cảm, chia sẻ khi nhiều người thân của mình đang rất cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trên công trường. Hòa mình vào trong nhiệm vụ chung, chúng tôi xác định tâm tư, tình cảm và động viên anh em cố gắng vượt qua khó khăn”, ông Chương nói.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Truyền tải điện miền Tây 2 (PTC4) cho biết: Với bản thân và các cán bộ PTC4 cũng rất hăng hái tham gia xây dựng công trình, làm sao hoàn thành nhiệm vụ lớn nhất, đảm bảo truyền tải điện thông suốt. Công việc trước đây chỉ tham gia quản lý vận hành là chính nay thời gian đầu mới tham gia xây lắp còn bỡ ngỡ, nhưng với kinh nghiệm và kỹ năng sẵn của công nhân truyền tải, nay anh em đã tiếp cận rất nhanh các bản vẽ, triển khai thi công. Đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong thi công dựng trụ, lắp ráp, tháo kiện của cột.
“Thời gian đầu cần 20 ngày dựng 1 cột, nhưng với kinh nghiệm đã làm thời gian qua thì có thể rút ngắn ít nhất là 2 ngày/cột tương đương. Chúng tôi cũng vận động anh em tăng giờ làm, đảm bảo tiến độ kéo dây hiện nay”, ông Tuấn cho biết.
Phó Giám đốc PTC4 Nguyễn Văn Bảy cũng cho biết, là lực lượng trực tiếp quản lý vận hành, công việc thường xuyên kiểm tra sửa chữa nhỏ, sửa chữa lớn trên lưới. Với công trình xây lắp có quy mô lớn này, đơn vị tuy cũng có đội ngũ dựng cột, nhưng chỉ làm đường dây 220kV với trọng lượng từ 50-60 tấn thép. Khi ra đây lần đầu tiên nhận vị trí cột ở Thái Bình có khối lượng 240 tấn, đơn vị được sự động viên, phối hợp, mạnh dạn trau dồi kỹ năng tự làm. Từ vị trí này dựng cột phải mất 25 ngày mới hoàn thành, nhưng khi sang Hải Dương điều động tiếp chỉ còn 17 ngày và vào Nghệ An với vị trí tương tự còn khoảng 15 ngày.
“Đến bây giờ chúng tôi thấy trưởng thành hơn, tự tin trong dựng cột, còn việc đóng lèo, kéo dây thường xuyên làm. Chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp để rèn luyện bản thân và lực lượng lao động của chúng tôi cũng mạnh mẽ hơn”, ông Bảy nói.
Phó Giám đốc Nguyễn Văn Bảy cũng cho biết, lần đầu tiên những công nhân truyền tải điện được Công ty điều động tham gia thi công đường dây với quy mô gần 300 người từ nhiều đội khác nhau ở Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, An Giang… làm công việc xa nhà. Mới đầu còn khó khăn, nhưng nay rất gắn kết, anh em đều đồng lòng, tạo một bộ máy đoàn kết, quán triệt tinh thần, ý nghĩa của dự án.
Ngoài đảm bảo tiền lương cho người lao động, PTC4 còn có chế độ bồi dưỡng tăng ca, ăn giữa giờ, nắng nóng thêm hoa quả, nước khoáng... Công đoàn đều quan tâm thăm hỏi, trang bị thêm quần áo bảo hộ lao động, chống nóng cho anh em, đảm bảo sức khỏe cho công nhân và người lao động trên công trường.
Bên cạnh đó, tay nghề anh em nâng lên từng ngày và việc xử lý sau này trên lưới cao áp không còn lo lắng, e ngại nữa. Đơn vị đã có sự điều hành linh hoạt trong công việc hơn, là thực địa huấn luyện đào tạo anh em trong vận hành, đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp, cần huy động lực lượng lớn để có sự chuyển biến nhanh hơn.
Đặc biệt, với địa hình, thời tiết, công cụ cơ giới, đơn vị cũng ước lượng được và lập kế hoạch, đánh giá được công việc sẽ hoàn thành vào thời điểm nào.
Dự án đường dây 500kV mạch 3 gồm 4 dự án thành phần với chiều dài 519 km, 1.170 vị trí móng cột. Hiện đã đóng điện dự án cung đoạn Thanh Hóa đến Ninh Bình, còn 3 dự án còn lại, EVN, EVNNPT đang gấp rút triển khai đảm bảo tiến độ đề ra.
Ông Võ Hoài Nam, Thành viên HĐTV EVNNPT cho biết trong quá trình triển khai, do phải thi công dựng cột đồng thời trong thời gian ngắn nên cần có 15.000 cán bộ công nhân kỹ thuật lắp dựng cột có kinh nghiệm. Các nhà thầu xây lắp chỉ đáp ứng khoảng 7.000 người, còn lại EVN phải huy động gần 7.000 kỹ sư, công nhân từ 5 Tổng công ty Điện lực thuộc Tập đoàn, 4 Công ty Truyền tải điện thuộc EVNNPT. Cùng với đó, EVN cũng đã huy động nhân lực từ các Tập đoàn Viettel, PVN, VNPT tham gia thi công/hỗ trợ dựng cột và kéo dây. Mặt khác, EVN/EVNNPT yêu cầu tất cả các nhà thầu đang thi công dựng cột, kéo dây trên các công trình khác của EVN tập trung nhân lực, máy móc về thi công cho các Dự án mạch 3.
Với khó khăn khối lượng cột thép rất lớn (145.000 tấn) và phải giao hàng trong thời gian ngắn các nhà thầu sản xuất bị quá tải, EVN/EVNNPT đôn đốc nhà thầu tăng cường năng lực sản xuất, tìm kiếm nhà thầu phụ ngay khi phát hiện bị chậm. Đồng thời điều chuyển các loại cột khác nhau giữa các gói thầu xây lắp để đồng bộ giữa việc cấp cột cho các vị trí móng đã hoàn thành nhằm hạn chế việc móng chờ cột. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh toán cho các nhà thầu để nhà thầu có kinh phí tiếp tục mua sắm vật liệu, tăng cường nhân lực chế tạo, sản xuất cột thép.
Khắc phục thời tiết xấu, các ban quản lý dự án đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh thi công trong điều kiện thời tiết tốt, đảm bảo ăn ở cho công nhân gần vị trí móng với thời gian làm việc phù hợp. Đây là công trình cấp bách nên toàn thể lãnh đạo các đơn vị đều thường xuyên đôn đốc, giám sát tại từng vị trí móng để đảm bảo tiến độ, yêu cầu kỹ thuật và an toàn lao động.
Theo ông Võ Hoài Nam, Tổng công ty tích cực phối hợp với nhà thầu trong xử lý các tình huống, đồng thời động viên các lực lượng thi công, lực lượng hỗ trợ cố gắng đưa máy móc vào thi công để giảm sức lao động, bố trí thời gian làm việc linh hoạt, phù hợp, đảm bảo tiến độ đề ra. Vấn đề an toàn lao động luôn được các nhà thầu, lực lượng hỗ trợ đặt lên hàng đầu.
“Chúng tôi thường xuyên giám sát, kiểm tra về an toàn, làm sao người lao động phải thi công tuyệt đối an toàn và công trình đảm bảo chất lượng yêu cầu. Với nỗ lực toàn thể công trường, cũng như sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo từ Tập đoàn, Tổng công ty, hiện nay khối lượng hoàn thành đã đạt gần 90%, chúng tôi cố gắng phấn đấu đạt tiến độ Thủ tướng giao”, ông Nam cho hay.
Công trường đường dây 500kV mạch 3 đang vào giai đoạn nước rút. Những người tham gia thi công đang nỗ lực và tập trung hoàn thành nốt các vị trí, gói thầu cuối cùng. Từng gương mặt sạm đen, ướt đẫm mồ hôi vẫn rạng rỡ trong công việc. Và không ai còn cảm giác nhớ nhung gia đình như hồi đầu tham gia công trình có ý nghĩa lịch sử về thời gian này.
Sau khi dự án đường dây 500kV mạch 3 đầu tiên cung đoạn Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 - Thanh Hóa đóng điện vào ngày 30/6, một “đại bản doanh” được thiết lập tại Vinh, nơi đó cả bộ máy lãnh đạo các cấp của EVNNPT ăn nghỉ tại chỗ, hàng ngày lên tuyến kiểm tra sát sao từng vị trí cột 2 dự án Quảng Trạch - Quỳnh Lưu và Quỳnh Lưu - Thanh Hóa còn đang gặp khó khăn về địa hình và thời tiết để đôn đốc và tìm cách tháo gỡ nhanh.
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng dường như không có ngày nghỉ, luôn sát cánh cùng Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án đôn đốc, nhắc nhở, động viên người lao động tham gia thi công trên công trường duy trì nhiệt huyết, cố gắng hoàn thành đúng tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao.
Sự huy động tổng lực cho thi công dự án vào giai đoạn này đang chứng tỏ ý chí và sức mạnh từ sự đoàn kết của cả ngành điện. Tất cả vì một mục tiêu chung: Chúng tôi đã, đang và sẽ cố gắng đem sức mình cống hiến cho công trình có ý nghĩa chính trị này.