Đường nhập lậu “uy hiếp” đường nội

Lượng đường tồn kho hiện đang ở mức 500.000 tấn. Trong khi đó, đường trong nước đang bị đường nhập lậu cạnh tranh về giá rất gay gắt. Đó là những thông tin được đưa ra tại hội thảo “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mía đường Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 10/7 tại Hà Nội.

 

Chưa ngăn chặn được đường lậu


Theo thống kê, đến giữa tháng 6/2013, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 492.510 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước gần 180.000 tấn. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nạn buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng đường chưa được ngăn chặn.


 

Sản xuất đường kính trắng tại Công ty CP đường Quảng Ngãi. Ảnh: nguyễn đăng lâm - TTXVN

 

Tình trạng buôn lậu đường diễn ra chủ yếu tại các tỉnh miền Trung và Tây Nam Bộ. Ông Nguyễn Đỗ Kim, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, đường nhập lậu có hai loại: thẩm lậu qua các tỉnh biên giới Tây Nam, miền Trung và qua hình thức tạm nhập tái xuất.


Theo quy định hiện hành, người dân được phép mang một lượng đường nhất định qua cửa khẩu để dùng (mỗi cửa khẩu có quy định riêng về lượng đường mà người dân được phép mang) mà không phải nộp thuế. Lợi dụng chính sách này, nhiều đối tượng đã mang đường vào sâu trong nội địa để tiêu thụ. Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu là dùng bao trắng và gắn tem phụ của cơ sở sản xuất để hợp thức hóa đường lậu. Vì vậy, với những vụ bắt đường lậu, lực lượng chức năng chỉ có thể thu hồi chứ không thể khởi tố hình sự. Bên cạnh đó, các đối tượng vận chuyển còn sử dụng ghe chở lúa của cư dân biên giới rồi giấu đường phía dưới để đưa vào nội địa nên lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết được. Ở khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), lượng đường nhập qua đây quá lớn, nếu đối chiếu vào lượng đường nhập qua đây thì trung bình mỗi ngày, một người dân tại Lao Bảo tiêu thụ tới 3- 4 tạ đường!


Bên cạnh đó, theo ông Kim, hiện có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia tạm nhập tái xuất đường, chủ yếu xuất đi thị trường Trung Quốc. Luật quy định doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa nên họ lợi dụng quy định này để bán đường ngay tại nội địa. Nhiều DN đã xuất đường qua đường mòn nhưng ngay sau đó mang hàng quay lại bán tại thị trường nội địa. Cũng có doanh nghiệp đưa luôn đường từ kho tạm nhập tái xuất ra tiêu thụ tại thị trường nội địa mà không xuất đi. Có doanh nghiệp tự ý phá niêm phong đem hàng đi tiêu thụ ở trong nước.

 

Nhiều biện pháp tháo gỡ


Từ năm 2010 đến nay, lượng đường lậu bị lực lượng chức năng thu giữ ngày một tăng, với 1.300 tấn: Năm 2010 là 200 tấn, năm 2011 là 331 tấn và năm 2012 là 700 tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2013, riêng tại An Giang, lực lượng chức năng đã thu giữ tới 362 tấn.

Theo đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường của Thái Lan nhập vào bán tại thị trường nội địa thấp hơn giá đường sản xuất trong nước từ 2.000- 3.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí sản xuất mía của nông dân Việt Nam cao hơn tại Thái Lan, do người nông dân phải mua vật tư nông nghiệp (phân bón, xăng dầu…) với giá cao. Mặt khác, các nhà máy đang mua mía của dân với giá trên dưới 1 triệu đồng/tấn với mía có lượng đường 10 CCS- mức giá cao nhất trong khu vực. Nếu hạ giá bán đường thì hàng loạt nhà máy sẽ bị lỗ nặng. “Một số nhà máy chấp nhận lỗ nếu bán ra, nhưng muốn bán cũng không bán được. Đường Thái Lan chen chân vào thị trường nội địa được bán với giá thấp hơn so với giá đường trong nước. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến đường của ta”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ.


Trước mắt, Hiệp hội mía đường đề xuất gia hạn thời gian xuất khẩu đường đến tháng 12/2013. Đồng thời, do lượng đường RE tinh luyện sản xuất trong nước còn tồn rất lớn nên cơ quan chức năng cần cân nhắc thời gian cho phép nhập khẩu 75.000 tấn đường. Nên để đến cuối tháng 9 mới thực hiện là hợp lý nhất. Mặt khác, cần mở đường xuất khẩu đối với đường RE để giải quyết hàng tồn kho.


Còn về lâu dài, theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, phải có giải pháp phát triển sản xuất trong nước; trong đó, có những chính sách giúp nông dân giảm giá thành sản xuất nhằm mục đích giảm giá đường thành phẩm. Đồng thời, các doanh nghiệp sản xuất cần nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất. Biện pháp quan trọng tiếp theo là phải làm tốt công tác điều tra, làm rõ phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu; phối hợp tốt giữa các lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu đường; xây dựng cơ chế chính sách trong vấn đề xử lý vi phạm, có hình thức xử lý răn đe kịp thời.


Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN