Video Dự án Đường Trường Sơn Đông qua các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang thi công:
Dự án Đường Trường Sơn Đông có chiều dài toàn tuyến 666,79 km, trong đó xây dựng mới 609,02 km, tận dụng 57,77 km đường đã có, là trục giao thông chiến lược quan trọng chạy giữa Quốc lộ (QL)1A và đường Hồ Chí Minh, kết nối 10 QL ngang khu vực. Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đường Trường Sơn Đông thuộc danh mục các QL chính yếu khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Theo Thượng tá Trịnh Quang Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án 46 (Đại diện chủ đầu tư), tuyến đường có nhiều đoạn đi qua địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhằm khai thác tiềm năng của vùng đất mà đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, kết nối phát triển kinh tế - xã hội. Đến thời điểm này, dự án đã thực hiện được gần 90% khối lượng và đã nghiệm thu, bàn giao cho Bộ GTVT quản lý, bảo trì, khai thác 516,80 km, nối thông liên tục 6/7 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk, hỗ trợ mạng lưới giao thông khu vực, hỗ trợ QL1A, đường Hồ Chí Minh khi có xảy ra lũ lụt, sạt lở, tắc đường... và kết nối các địa bàn khó khăn với các tỉnh lộ.
Cụ thể, dự án hiện đã nối thông các huyện Nam Giang, Nông Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My, Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) với đường Hồ Chí Minh và QL40B; phát triển khu vực trung tâm và các xã lân cận của huyện Sơn Tây - vùng cực tây khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ngãi; nối thông huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum) với QL24; huyện K’Bang (tỉnh Gia Lai) với QL19 và QL25; huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) với QL29; huyện Lạc Dương với TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng)...
Riêng đối với tỉnh Lâm Đồng, dự án đường Trường Sơn Đông đi qua hai huyện nghèo Lạc Dương và Đam Rông, dài khoảng 52 km, hiện đã hoàn thành khoảng 48 km (đưa vào sử dụng khoảng 42 km), còn khoảng 4 km chưa có mặt bằng thi công. Sau khi hoàn thành sẽ kết nối tỉnh Lâm Đồng với 3 tỉnh Tây Nguyên và 3 tỉnh miền Trung, nhất là các QL trọng yếu 20, 27. Còn đoạn tuyến đi qua tỉnh Đắk Lắk dài 126,2 km hiện đã hoàn thành 51,6 km, đang thi công 48 km, còn khoảng 26,6 km nằm trong Vườn Quốc gia Chư Yang Sin chưa có mặt bằng thi công. Sau khi hoàn thành sẽ kết nối trực tiếp với các QL 26, 29, 19C, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột... đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, phá vỡ thế cô lập của các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa vào mùa mưa lũ.
Tuy nhiên, dự án đang gặp một số khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ như: Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) qua Đắk Lắk còn vướng nhiều đoạn đi qua khu dân cư; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhưng hợp đồng đã ký theo đơn giá cố định; điều kiện thời tiết, khí hậu, địa chất, thủy văn ở miền Trung và Tây Nguyên phức tạp... Ngoài ra, do dự án triển khai trong thời gian dài (từ đầu năm 2007 đến nay), các chính sách pháp luật liên quan đến dự án có nhiều thay đổi như: Luật Bảo vệ môi trường 3 lần sửa đổi, bổ sung (năm 2005, 2014 và 2020); Luật Lâm nghiệp sửa đổi 1 lần (năm 2017)..., nên quá trình thực hiện dự án cũng bị ảnh hưởng. Một khó khăn lớn nữa là đoạn tuyến còn lại của dự án dài khoảng 30,6 km qua rừng đặc dụng của hai Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) và Chư Yang Sin (Đắk Lắk), có diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng khoảng 72 ha, trong đó có 4 gói thầu dự án đang tạm dừng thi công 5 tháng để hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.
Trước thực tế trên, Ban Quản lý dự án 46 đề xuất UBND hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk sớm quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn trong xây dựng dự án để đẩy nhanh tiến độ; thống nhất cho tiếp tục thi công gói thầu hầm H2, để tránh nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ sắp tới, hạn chế thiệt hại, lãng phí; phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu có biện pháp phù hợp để các gói thầu khác triển khai, nhằm bảo đảm tiến độ tổng thể của dự án.
Qua tìm hiểu, dự án đường Trường Sơn Đông được xây dựng trên cơ sở tuyến đường Z114 cũ trong chiến tranh, chủ yếu nằm trên sườn đông của dãy Trường Sơn, qua các căn cứ kháng chiến đã đi vào lịch sử như: Làng Mực, Ngầm B Sông Tranh, Ngok Tem, Xã Hiếu, Ka Nát, Đăk pơ..., nhằm khai thác tiềm năng của vùng đất, nơi mà đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm 70% chủ yếu là người Ê Đê, Gia Rai, Kà Tu, Ba Na... theo tôn giáo chiếm 43%. Được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, dự án đã triển khai đúng chủ trương, mục tiêu đề ra.
Trao đổi về vai trò của tuyến đường, Thượng tá Trịnh Quang Thái cho biết, các hạng mục công trình lớn, lưỡng dụng đã hoàn thành, bảo đảm tốt cho nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Dự án đến nay đã cơ bản phát huy hiệu quả đầu tư, các đoạn tuyến đã hoàn thành tạo điều kiện để các địa phương quy hoạch lại một số trung tâm hành chính cấp huyện, xã; sắp xếp lại dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội, bảo đảm lưu thông hàng hóa. Một số căn cứ địa cách mạng và di tích lịch sử dọc hai bên tuyến đường đã được đầu tư, tôn tạo làm tiền đề để phát triển du lịch sinh thái, du lịch về nguồn. Đồng bào dân tộc các xã vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, điện, nước, internet; các đoạn tuyến hoàn thành đã phá vỡ thế cô lập của các huyện, xã vùng sâu vùng xa vào mùa mưa lũ; việc kết nối với các tuyến QL, tỉnh lộ đã tạo điều kiện cơ động cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, kịp thời khắc phục sự cố thiên tai, bão lũ. Đáng chú ý, tuyến đường đã tạo thuận lợi cho việc bố trí thế trận phòng thủ địa phương, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân tại các địa bàn chiến lược.