Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực của EVN trong năm 2018. Mặc dù Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn song vẫn nỗ lực nộp ngân sách đạt trên 20.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu ra những bất cập của ngành điện, yêu cầu EVN phải “bứt phá” trong năm 2019.
“Điểm cần bứt phát quan trọng nhất là phát triển nguồn điện và hệ thống truyền tải điện; không để thiếu điện cho sản xuất của doanh nghiệp (DN) và sinh hoạt của người dân”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng, trong ngắn hạn, hồ thủy điện miền Trung thiếu nước và ảnh hưởng đến việc phát điện của các nhà máy thủy điện, phải bù bằng nhiệt điện than. Song việc cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện lại cũng gặp khó khăn.
Nguồn khí cho các nhà máy nhiệt điện khí trong nước đang suy giảm. Một số nhà máy điện khí chưa hoàn thiện. Đầu tư có nhiệt điện khí cần nguồn vốn rất lớn, trong khi các DN trong nước không đủ khả năng để đầu tư dẫn đến phải mời gọi nhà đầu tư nước ngoài vào. Chúng ta cần những cơ chế về bảo lãnh tiêu thụ, chuyển đổi ngoại tệ… để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng tới trần nợ công của Việt Nam.
Các DN trong nước, kể cả các Tập đoàn lớn như EVN, PVN để đầu tư các dự án lớn đều cần đến 1 tỷ USD trở lên. Muốn vay vốn phải có bảo lãnh. Trong khi Chính phủ hiện không “phấn khởi” đi bảo lãnh cho DN do giới hạn trần nợ công.
Trong khi đó, các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió thì giá cao và không phải lúc nào cũng sử dụng hiệu quả. Việc phát triển đồng bộ giữa nguồn điện này và đường dây truyền tải để giải tỏa công suất còn nhiều bất cập.
“Nếu chỉ dựa vào điện năng tái tạo, điện khí thì giá rất cao. Yêu cầu đối với EVN là đảm bảo đủ điện song giá phải hợp lý trong điều kiện GDP của Việt Nam mới chỉ trên 2.000 USD/đầu người. Muốn vậy phải có cơ cấu nguồn điện hợp lý, đảm bảo yêu cầu về môi trường”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu.
Việc triển khai mua điện của nước ngoài hiện đang bị chậm. Đây là nguồn cung thay thế trong bối cảnh thiếu điện trong nước bởi giá mua còn rẻ hơn giá trong nước sản xuất. Điện gió, điện mặt trời khoảng 9 cent/kWh, điện khí 9-10 cent trong khi điện mua nước ngoài chỉ 7 cent.
Phó Thủ tướng yêu cầu EVN phải cùng các Tập đoàn khác, chủ động tham mưu cho Bộ Công Thương hoàn thiện quy hoạch điện lực quốc gia. Quy hoạch điện 7 đã lạc hậu dù mới kí năm 2016, phải bổ sung, cập nhật, hoàn thiện quy hoạch điện mặt trời, điện gió, đồng bộ với hệ thống hạ tầng truyền tải để giải tỏa công suất và sử dụng hiệu quả.
EVN cần tham mưu Bộ Công Thương lập quy hoạch tổng thể điện lực quốc gia vùng miền theo Luật Quy hoạch mới, giai đoạn 2030 tầm nhìn 2050, xác định rõ nhu cầu điện từng thời kỳ; tập trung hoàn thành các dự án chậm tiến độ và đẩy nhanh các dự án mới như Nhơn Trạch, Ô Môn 3,4, Tân Phước, Long Phú 2,3, Kiên Lương 1,2, Sông Hậu 1,2…
"Tập trung đầu tư các mạng lưới truyền tải để giải tỏa công suất, khu vực Nam Trung Bộ và phía Nam với điện mặt trời và điện gió; sớm hoàn thành đàm phán mua điện của nước ngoài, vận hành hệ thống an toàn từ khâu đầu tư đến vận hành; không đầu tư các dự án có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Năm 2018, sản lượng điện sản xuất và mua đạt 212,9 tỷ kWh, vượt kế hoạch 2,4 tỷ kWh và tăng 10,36% so với năm 2017. Đặc biệt, điện sản xuất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt kỷ lục 12,3 tỷ kWh, vượt 51,2% sản lượng theo thiết kế.
Sản lượng điện truyền tải đạt 184,2 tỷ kWh vượt 1,6% kế hoạch và tăng 10,88% so với 2017, trong đó đã đảm bảo truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung cấp cho miền Nam 20,8 tỷ kWh (tương đương 20% nhu cầu điện miền Nam).
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2018 ước đạt 340.500 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2017, trong đó doanh thu bán điện khoảng 333.000 tỷ đồng (tăng 14,6%). Tổng giá trị tài sản EVN ước tính đến cuối năm 2018 là 702.836 tỷ đồng (tăng 0,18% so với năm 2017), nộp ngân sách năm 2018 của Tập đoàn ước 20.170 tỷ đồng.