Trước đó, EVN cho hay, ngày 5/9 đã nhận được văn bản của TKV về việc điều chỉnh tăng giá bán các loại than trong nước cho sản xuất điện.
EVN cho rằng, năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính của EVN và các đơn vị thành viên gặp rất nhiều khó khăn do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, giá khí, giá dầu).
Mặc dù EVN và các đơn vị thành viên quyết liệt thực hiện các giải pháp nội tại, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét các phương án để giảm chi phí sản xuất, tuy nhiên do giá bán lẻ điện bình quân chưa được điều chỉnh kịp thời đã làm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng.
Vì vậy, EVN đề nghị TKV xem xét không tăng giá than trong nước bán cho sản xuất điện, giá than trong nước trong phương án pha trộn với than nhập khẩu.
EVN cũng đề nghị TKV cung cấp đầy đủ và liên tục than cho các nhà máy nhiệt điện để đảm bảo cho hoạt động sản xuất và cung cấp điện cho năm 2023, trong đó EVN đề nghị TKV xem xét giải pháp tăng cường khai thác và cung cấp than sản xuất trong nước cho các đơn vị phát điện.
Năm 2022, EVN lỗ 26.000 tỷ đồng, chưa bao gồm các khoản chênh lệch tỷ giá.
Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 bao gồm: phần còn lại khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện năm 2019 với số tiền khoảng 3.016 tỷ đồng; năm 2020 khoảng 4.567 tỷ đồng; năm 2021 hơn 3.702 tỷ đồng và năm 2022 khoảng 3.440 tỷ đồng.
Bộ Công Thương cho biết, giá nguyên liệu (chủ yếu là than nhập khẩu) cao, khiến chi phí mua điện tăng cao, nhưng giá bán lẻ điện được giữ ổn định, dẫn đến khoản lỗ của EVN...