Việt Nam có khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động có trình độ so với các nước khác và đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và toàn cầu. Điều này báo hiệu tích cực rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục mạnh, đặc biệt trong bối cảnh đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Việt Nam, vốn FDI thực hiện trong năm 2022 là 22,4 tỷ USD (khoảng 6% GDP), tăng so với mức 19,7 tỷ USD trong năm 2021 và vốn FDI thực hiện trong 11 tháng đầu năm 2023 là 20,2 tỷ USD. Việc Việt Nam-Mỹ nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện” vào tháng 9/2023 có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng vốn FDI và thương mại của Mỹ đổ vào Việt Nam.
Theo Fitch, nguồn tài chính từ bên ngoài đổ về Việt Nam cũng được cải thiện, khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến cuối tháng 9/2023 đạt 89 tỷ USD, sau khi giảm mạnh trong năm 2022.
Fitch cũng nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Việt Nam lên mức “BB+”. Điều này phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn thuận lợi nhờ dòng vốn FDI mạnh mà Fitch cho rằng sẽ giúp cải thiện cơ cấu tín dụng của Việt Nam.
Fitch cho rằng tuy lĩnh vực bất động sản bất ổn, nhu cầu bên ngoài suy yếu và một số yếu tố gây ra những khó khăn kinh tế cho Việt Nam trong ngắn hạn, nhưng những trở ngại này khó có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế vĩ mô trong trung hạn và các biện pháp đệm chính sách đủ khả năng quản lý rủi ro trong ngắn hạn.