Trong tuyên bố chung, G20 nhận định kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi song "không đồng đều và không đáp ứng được tham vọng của các nước về một sự tăng trưởng cân bằng, bền vững và mạnh mẽ". Các nhà lãnh đạo G20 cảnh báo ngày càng xuất hiện nhiều nguy cơ đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có "dòng vốn đầu tư không ổn định, giá các mặt hàng tiêu dùng giảm mạnh, các căng thẳng địa chính trị leo thang, khả năng Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và cuộc khủng hoảng di cư ở nhiều khu vực". Một điểm đáng chú ý là trong tuyên bố chung, các bộ trưởng G20 không đề cập tới những nguy cơ từ tình trạng suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc.
Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G-20. Ảnh: Reuters |
Hội nghị G20 nhất trí cần hành động nhiều hơn để đạt được các mục tiêu chung đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các Bộ trưởng cam kết áp dụng "tất cả các công cụ chính sách hiện hành" như chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu để thúc đẩy niềm tin của giới đầu tư, cũng như bảo vệ và củng cố đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. G20 lưu ý tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ không đồng đều nếu chỉ áp dụng chính sách tiền tệ đơn lẻ mà cần thực thi chính sách tài chính "linh hoạt".
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhóm G20 diễn ra tại Thượng Hải trong hai ngày 26 và 27/2. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc gây lo ngại và Bắc Kinh liên tục phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Nhóm G20 đang nắm giữ 86% nền kinh tế thế giới, chiếm 2/3 dân số thế giới và 75% thương mại toàn cầu.
Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng 25 năm và đang cố gắng chuyển dịch từ một quốc gia tăng trưởng kinh tế nhờ vào xuất khẩu sang tiêu dùng và dịch vụ. Việc kinh tế Trung Quốc suy giảm kéo theo sự bất ổn của thị trường tài chính và dẫn đến sụt giảm mạnh của chỉ số giá cả hàng hóa.