Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, năm 2014 thị trường gạo thế giới tiếp tục chịu áp lực bán hạ giá của Thái Lan và cạnh tranh xuất khẩu từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á, nên giá xuất khẩu còn tiếp tục giảm. Trong bối cảnh này, Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh quyết liệt, nhất là đối với Thái Lan về gạo thơm và gạo trắng, trong khi Ấn Độ có thị trường đặc thù của gạo basmati, gạo đồ và gạo tấm.
Xuất khẩu gạo năm 2014 được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Ảnh: Đình Huệ-TTXVN |
Theo VFA, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao ở châu Phi và các thị trường gần, như Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc. Mặc dù nhu cầu nhập khẩu gạo khu vực Đông Nam Á sụt giảm nhưng vẫn là thị trường truyền thống có hợp đồng tập trung. Theo dự báo, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tăng trong thời gian tới, có thể bù đắp được lượng gạo xuất khẩu sang các thị trường khác. Do vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là xuất khẩu biên giới góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa khi các thị trường khác sụt giảm. Tuy nhiên, VFA cũng khuyến cáo, thị trường này thường mua gạo với giá thấp và luôn tiềm ẩn những rủi ro trong thương mại.
Định hướng về công tác xuất khẩu gạo trong năm 2014, VFA cho biết, các doanh nghiệp sẽ củng cố và có giải pháp thích hợp đối với những thị trường có hợp đồng tập trung để giữ thị phần và bảo đảm hiệu quả xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, nhất là đối với các thị trường mới nổi và có khả năng cạnh tranh; chuẩn bị điều kiện mở thị trường gạo với Mỹ, Nhật sau khi kết thúc Hiệp định xuyên Thái Bình Dương. VFA sẽ tiến hành quản lý và kiểm tra xuất khẩu gạo qua biên giới để bảo đảm cân đối và hạn chế rủi ro. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo cũng sẽ chọn và có giải pháp phát triển các loại giống lúa chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt là có bộ giống lúa thơm của Việt Nam để xây dựng thương hiệu gạo...
Các doanh nghiệp kiến nghị, Bộ Công Thương và các ngành liên quan có cơ chế khuyến khích xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới, vì đây là lợi thế của Việt Nam. Với thị trường tập trung, VFA nên thông báo kịp thời để các doanh nghiệp không vi phạm trong các giao dịch. Khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, VFA nên xử lý linh động để doanh nghiệp tiếp cận đối tác. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cũng cần có định hướng chiến lược cho ngành hàng gạo và kiểm soát dư lượng hóa chất trong gạo tạo điều kiện để có sản phẩm gạo Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo VFA, do tình hình thị trường gạo trong năm 2014 không thuận lợi nên kế hoạch xuất khẩu trong năm nay dự kiến tương đương năm 2013, khoảng 6,5 - 7 triệu tấn. Dự kiến, trong quý I/2014, Việt Nam sẽ xuất khoảng 1,2 triệu tấn gạo.
Năm 2013, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã xuất khẩu được 6,61 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 2,95 tỷ USD, giảm 17,4% về khối lượng và giảm 19,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Giá gạo xuất khẩu trung bình 11 tháng của năm 2013 đạt 441,2 USD/tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2012. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này trong 11 tháng của năm 2013 tăng trưởng mạnh, đạt trên 2 triệu tấn với giá trị đạt 849,36 triệu USD, chiếm 30,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo. So với cùng kỳ năm ngoái, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tăng lần lượt là 6,22% và 2,7%.
Liên Phương