Theo đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu đối với các dự án chuẩn bị đầu tư như: Quốc lộ 8C của Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh; tuyến tránh phía Đông thành phố Đông Hà của Sở Giao thông Vận tải Quảng Trị; Quốc lộ 4B Lạng Sơn của Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, các chủ đầu tư phải quyết liệt đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, khởi công các dự án đúng kế hoạch để giải ngân nguồn vốn đã bố trí.
Với một số dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 – 2020 (giai đoạn 1) như: cầu Mỹ Thuận 2, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, các chủ đầu tư được đề nghị chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tăng mũi thi công để đẩy nhanh tiến độ thi công; rà soát quy định hợp đồng để đề xuất xử lý theo quy định trong trường hợp các nhà đầu tư không đáp ứng năng lực theo yêu cầu.
Riêng với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2), xác định tiến độ giải ngân vốn cho giải phóng mặt bằng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án cần phối hợp với các địa phương tập trung xử lý dứt điểm vướng mắc, hoàn thiện thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đồng thời, rà soát để điều hòa nguồn vốn giải phóng mặt bằng dự kiến không giải ngân hết cho công tác xây dựng, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao.
Tính hết tháng 8/2023, kết quả giải ngân của Bộ Giao thông vận tải cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước về giá trị, tiếp tục duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.
Theo thống kê của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải), tính hết tháng 8/2023, trong tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 95.200 tỷ đồng), Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 49.723 tỷ đồng, đạt khoảng 52% kế hoạch năm.
Tiến độ giải ngân đến hết tháng 8/2023 đạt 95% so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao này gấp hơn 2 lần về giá trị và cao hơn 12% về tỷ lệ.
Cũng theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư, giá trị giải ngân 8 tháng qua tập trung ở các dự án cao tốc Bắc Nam, đạt hơn 36.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 74% giá trị giải ngân của cả Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân gần 9.500 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch năm và 98% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân gần 26.800 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch năm và 93% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký. Bên cạnh đó, các dự án quan trọng, cấp bách giải ngân 547 tỷ đồng, đạt hơn 34% kế hoạch năm và 60% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Các dự án ODA giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm và 99% kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đăng ký. Các dự án trong nước khác, giải ngân 7.870 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm và đạt 96% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kết quả giải ngân 8 tháng năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải gần bằng con số giải ngân của cả năm 2022 cho thấy sự quyết tâm rất lớn của Bộ Giao thông Vận tải. Nỗ lực này góp phần tăng tính khả thi của lộ trình đưa mạng lưới đường bộ cao tốc trên cả nước đạt 3.000km vào năm 2025 và 5.000km vào năm 2030.