Kiên định với chính sách tăng lãi suất
Sự sụp đổ nhanh đến không ngờ của một số ngân hàng lớn tại Mỹ, đặc biệt là hai ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) đã ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tại cuộc họp chính sách hai ngày từ 21-22/3, Fed đã nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, lên 4,75-5%. Chuyên gia Diane Swonk, nhà kinh tế gia tại CME Group, đánh giá vụ phá sản của SVB và SB, cùng với việc UBS giải cứu ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse đã khiến các nhà hoạch định chính sách của Fed phải tính ngay tới việc giảm tốc lộ trình tăng lãi suất và việc ngân hàng trung ương này chỉ tăng 0,25 điểm phần trăm, neo ở biên độ 4,75-5%, là phản ứng tức thì và đầy tính linh hoạt. Trong một năm qua, Fed ưu tiên cho cuộc chiến chống lạm phát, vốn ở mức cao kỷ lục 40 năm, bằng việc thực hiện liên tiếp chín đợt tăng lãi suất từ mức gần bằng 0.
Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 16/3 tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm, đồng thời đánh tín hiệu cho thấy ECB sẵn sàng cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng nếu cần. Như vậy, ba loại lãi suất chính của ECB là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đều tăng lần lượt lên các mức 3,5%, 3,75% và 3%. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh lạm phát tại các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu. Trong tháng 2/2023, số liệu sơ bộ cho thấy mức lạm phát chung là 8,5%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ECB.
Một số tổ chức đầu tư, doanh nghiệp đã đặt câu hỏi liệu Chủ tịch ECB Christine Lagarde có tiếp tục thực hiện động thái tăng lãi suất hay không, trước những cú sốc gần đây trong lĩnh vực ngân hàng.
ECB cho biết đang theo dõi sát sao những căng thẳng trên thị trường hiện nay và sẵn sàng ứng phó khi cần thiết để duy trì sự ổn định giá cả và ổn định tài chính trong Eurozone. ECB nhấn mạnh lĩnh vực ngân hàng của Eurozone có khả năng phục hồi tốt nhờ vị thế vốn và thanh khoản cao.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 23/3 đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 4,25% sau số liệu cho thấy lạm phát tại Anh bất ngờ tăng từ 10,1% lên 10,4% vào tháng Hai, gần với mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm và cao hơn 5 lần so với mục tiêu của BoE. Kể từ tháng 12/2021, BoE đã thực hiện 11 đợt tăng lãi suất liên tiếp, đồng thời để ngỏ khả năng tiếp tục nâng lãi suất tùy thuộc vào tình hình thực tế trong bối cảnh triển vọng kinh tế và tài chính ngày càng trở nên bất ổn.
Triển vọng lãi suất thời gian tới
Chủ tịch Fed tại Cleveland, Loretta Mester, ngày 4/4 nhận định Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới, khi có những dấu hiệu cho thấy các vấn đề gần đây của lĩnh vực ngân hàng đã được kiểm soát. Bà Mester cho rằng, để lạm phát giảm xuống mức 2%, lãi suất có thể tiếp tục tăng trong năm nay, lên mức trên 5%. Việc lãi suất sẽ tăng đến mức nào và trong thời gian bao lâu sẽ phụ thuộc vào lạm phát giảm đến đâu, điều sẽ liên quan đến việc nhu cầu chậm lại ở mức nào, những thách thức về nguồn cung được giải quyết ra sao và sức ép giá cả giảm như thế nào.
Bà Mester cũng phản bác nhận định Fed sẽ phải hạ lãi suất sớm hơn nhiều so với dự kiến hiện nay. Bà tin rằng các vấn đề của lĩnh vực ngân hàng cuối cùng đã được kiểm soát. Những căng thẳng đã giảm bớt, nhưng Fed tiếp tục thận trọng giám sát tình hình và sẵn sàng thực hiện các biện pháp để đảm bảo sự ổn định tài chính.
Trong khi đó, một số nhà hoạch định chính sách của Fed tin rằng có thể chỉ cần thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay để đẩy lùi lạm phát. Nhưng sang năm tới, Fed sẽ ít nới lỏng chính sách tiền tệ hơn so với mức mà hầu hết giới quan sát từng nhận định là phù hợp. Các nhà đầu tư Mỹ đang đặt cược vào khả năng Fed kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong năm 2023.
Đối với ECB, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) Joachim Nagel cho biết chỉ trong vòng 9 tháng từ tháng 7/2022, ECB đã 6 lần tăng lãi suất với tổng mức tăng là 350 điểm cơ bản. Nhưng hiện tại, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone vẫn ở mức 8,5% trong tháng 2/2023, còn cách rất xa mục tiêu 2% của ECB. Do đó cần phải giữ mức lãi suất đủ cao trong thời gian cần thiết để đảm bảo ổn định giá cả lâu dài.
Tuy nhiên, ông Robert Holzmann, thành viên Hội đồng thống đốc của ECB, nhận định điều mà ngân hàng này quan tâm là kiềm chế lạm phát. Vì thế, nếu lạm phát bắt đầu giảm xuống hay xuất hiện tình trạng giảm phát vì thanh khoản thắt chặt, ECB sẽ không còn cần phải nâng lãi suất nữa, hoặc có thể chỉ tăng một cách chậm rãi.
Tại Anh, trong một tuyên bố, BoE khẳng định lại hướng dẫn mà ngân hàng này đưa ra vào tháng Hai, nhấn mạnh nếu có bằng chứng về áp lực giá gia tăng, yêu cầu tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ là cần thiết. BoE đánh giá các ngân hàng Anh hiện có khả năng chống chịu và có thể tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong một loạt kịch bản kinh tế khác nhau, bao gồm thời kỳ lãi suất cao hơn, nhấn mạnh sẽ giám sát chặt chẽ các tác động của thị trường đối với điều kiện tín dụng áp dụng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.
BoE cũng cho rằng Anh sẽ không rơi vào suy thoái kỹ thuật trong năm nay với GDP sẽ tăng nhẹ vào quý II/2023 so với mức giảm 0,4% được ngân hàng này dự báo trước đó vào tháng Hai. Ngân hàng này nhận định lạm phát giá tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm trong quý II/2023, do giá năng lượng giảm và Chính phủ Anh kéo dài chương trình hỗ trợ hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình đến tháng Sáu.
BoE lưu ý với mức giá thị trường hiện nay, có thể sẽ có một đợt tăng lãi suất nữa vào cuối mùa Hè và đạt đỉnh ở mức hơn 4,5% vào tháng Tám.
Ghìm cương lạm phát - Bài cuối