Ông Nguyễn Văn Khánh, ở xã Đại An, huyện Trà Cú cho biết, từ đầu tháng 8, ông đã thả nuôi tái vụ 20.000 con cá lóc giống ở diện tích 1 ao nuôi rộng 800 m2 mặt nước. Đầu tháng 9, ông tiếp tục thả 15.000 con cá giống ở ao thứ 2 với diện tích 600 m2. Đây là năm thứ 2, ông thực hiện theo khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú nuôi cá lóc rải vụ để “ứng phó” lúc thị trường cung vượt cầu, giá cá thương phẩm xuống thấp.
Hầu hết người nuôi cá lóc ở Trà Vinh đã đúc kết được kinh nghiệm qua nhiều năm nên không còn nuôi theo phương thức thâm canh mà bố trí hệ thống ao đúng quy trình kỹ thuật, không gây ô nhiễm môi trường nước ao nuôi, tránh phát sinh dịch bệnh, giảm tỷ lệ hao hụt, hạn chế tình trạng cá chậm phát triển,…
Hiện người nuôi bố trí đúng quy trình có hệ thống ao lắng, ao xả thải và nuôi cá với mật độ thưa, chỉ khoảng 20.000 - 25.000 con/1.000 m2 mặt nước, để hạn chế ô nhiễm môi trường, tỷ lệ hao hụt cá giống thấp, cá tăng trọng nhanh hơn so với cách nuôi thâm canh trước đây.
Bên cạnh đó, có ao nuôi dự phòng lắng lọc để cấp nước, khi thu hoạch người nuôi dễ dàng chọn cá chưa đạt kích cở tiếp tục nuôi vỗ béo trong ao cấp nước để bán được giá cao. Bình quân nuôi cá lóc khoảng 4 tháng, cá đạt trọng lượng từ 0,7 - 1 kg/con. Chi phí đầu tư từ con giống, thức ăn khoảng khoảng 30.000 đồng/kg cá thương phẩm.
Ông Huỳnh Văn Thảo - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Cú cho biết, Trà Cú là địa phương có diện tích nuôi cá lóc nhiều nhất, chiếm 80% diện tích nuôi toàn tỉnh với khoảng 1.500 hộ nuôi cá lóc, có hơn 450 ha được nuôi 2 vụ trong năm. Hiện tại, hầu hết người nuôi đã tại thả nuôi vụ thứ 2 để thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán 2024.
Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh, đến đầu tháng 9/2023, người nuôi trong tỉnh đã thu hoạch gần 40.000 tấn cá lóc thương phẩm, tăng hơn 2.540 tấn so cùng kỳ. Hiện nông dân trong tỉnh cũng đã thả cá lóc giống tái vụ nuôi được 177 triệu con, với diện tích gần 0 ha.