Khảo sát của phóng viên, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm thêm 300 – 400 đồng/kg, dao động từ 31.900 – 32.500 đồng/kg. Đây là mức giá giảm mạnh nhất trong vòng hơn 10 năm qua. Giá thu mua giảm nhưng chi phí đầu vào như nhân công, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu... tăng khiến giá bán cà phê nhân xô hiện nay thấp hơn cả giá thành sản xuất.
Theo ước tính của Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ 2017-2018, ước tính Việt Nam sẽ sản xuất được 1,5 triệu tấn cà phê, tăng khoảng 100.000 tấn so với niên vụ 2016 – 2017. Do giá xuất khẩu giảm nên dù số lượng tăng nhưng giá trị lại giảm mạnh.
"Mặc dù sản lượng xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2018 tăng gần 19% nhưng vì giá cà phê nhân đang ở mức quá thấp nên giá trị thu về lại giảm hơn 1% so với cùng kỳ. Những ngày tháng 9, thị trường cà phê robusta thế giới giao dịch vẫn hết sức ảm đạm, người trồng hạn chế bán ra do giá ở mức thấp. Hiện giá cà phê robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% tại cảng ở TP Hồ Chí Minh giao dịch chỉ ở mức 1.401 USD/tấn, tiếp tục giảm 0,8% so với thời điểm cuối tháng 8. Xu hướng giảm giá cà phê xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục trong thời gian tới", ông Lương Trung Tự, Chủ tịch Vicofa cho hay.
Lo ngại không đạt kế hoạch đề ra, Vicofa đã điều chỉnh mục tiêu kim ngạch của ngành trong năm nay xuống khoảng 3 tỷ USD, với sản lượng xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn, tăng 0,8% về khối lượng nhưng giảm 10,5% về giá trị so với niên vụ trước. Tại các tỉnh khu vực Tây nguyên, người dân đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch cà phê mới và sản lượng dự kiến sẽ tăng khoảng 4%.
"Dù đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê (sau Brazil), nhưng chỉ một biến động nhỏ trên sàn giao dịch kỳ hạn cũng đủ khiến giá cà phê trong nước chao đảo theo. Ngành cà phê hiện vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường cà phê thế giới về giá khi có khoảng 90% sản lượng cà phê xuất khẩu thô và chỉ có 10% là dùng để chế biến và tiêu thụ trong nước", ông Nguyễn Trung Tự cho hay.