Những thông tin trên đã khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng nguồn cung trên thị trường toàn cầu sẽ tăng mạnh.
Một cơ sở lọc dầu tại đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trên thị trường Tokyo (Nhật Bản), giá dầu Brent Biển bắc giao kỳ hạn giảm 44 xu Mỹ (0,7%) xuống 64,37 USD/thùng vào lúc 14 giờ 00 (giờ Việt Nam). Trước đó trong phiên ngày 8/2, giá dầu Brent đã mất tới 1,1%, mức giảm giá theo ngày nhiều nhất kể từ ngày 20/12/2017 tới nay.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 62 xu (1%) xuống 60,53 USD/thùng, sau khi trong phiên trước đó cũng đã rớt giá khoảng 1% xuống gần mức thấp nhất tính từ ngày 2/1.
Giá của cả hai loại dầu này đều đã giảm hơn 9% so với mức cao được ghi nhận hồi cuối tháng Một năm nay. Theo chuyên gia phân tích hàng hóa Carsten Menke thuộc ngân hàng Thụy Sỹ Julius Baer, giá dầu có thể giảm sâu hơn nữa và xuống dưới mức 60 USD/thùng.
Trước đó vào ngày 8/2, Iran - thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - đã thông báo kế hoạch gia tăng sản lượng thêm ít nhất 700.000 thùng/ngày trong bốn năm tới.
Cùng với đó, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố số liệu cho thấy sản lượng dầu thô của nước này đã chạm mức cao kỷ lục 10,25 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Với con số này, sản lượng dầu của Mỹ sẽ vượt qua mức sản lượng của Saudi Arabia - nước sản xuất dầu lớn nhất trong số các thành viên OPEC.
Ngoài ra, một số nguồn tin thân cận cho hay Trung Quốc đang lên kế hoạch chào bán các hợp đồng dầu thô kỳ hạn vào ngày 26/3. Động thái đó có thể sẽ làm xáo động giá cả trên thị trường hàng hóa lớn nhất thế giới, đồng thời sẽ giúp Trung Quốc có nhiều quyền lực hơn trong việc định giá mặt hàng dầu thô trên thị trường khu vực và mang tới cho nước này một số thị phần đáng kể trong các hợp đồng dầu kỳ hạn trị giá hàng nghìn tỷ USD.