Cháy rừng tại khu vực sản xuất dầu cát ở Fort McMurray, Alberta đã khiến thêm hàng ngàn dân phải sơ tán và ảnh hưởng tới các cơ sở sản xuất dầu tại đây. Khoảng 100.000 cư dân và lao động trong ngành dầu khí đã phải sơ tán khỏi Fort McMurray và các khu vực lân cận từ hai tuần trước.
Khép lại phiên 17/5, tại sàn giao dịch New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 6 tăng 59 xu Mỹ lên 48,31 USD/thùng – mức đỉnh kể từ đầu tháng 10/2015. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7 chốt phiên ở 49,28 USD/thùng, tăng 31 xu Mỹ so với phiên trước đó.
Nhận định về thiệt hại gây ra bởi các đám cháy, Tim Evans thuộc Citi Futures cho biết trong tháng này, sản lượng khai thác dầu tại Canada đã giảm 1,2 triệu thùng/ngày, và nhân tố này sẽ tác động lớn tới việc thu hẹp khoảng cách cung-cầu trên thị trường năng lượng.
Alberta là một trong bốn tỉnh sản xuất dầu cát của Canada. Cháy rừng bùng phát mạnh từ chiều 3/5 đã khiến nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa. Hiện tỉnh này chỉ còn sản xuất khoảng hơn 1 triệu thùng dầu/ngày, so với mức 2,4 triệu thùng/ngày trước đây.
Cây cối bị thiêu rụi trong đám cháy rừng ở Fort McMurray, Alberta, Canada ngày 10/5. Ảnh: EPA/TTXVN |
Vàng hưởng lợi từ đồng USD yếu và chứng khoán giảmTrong phiên giao dịch ngày 17/5, giá vàng thế giới đã thoát khỏi xu hướng giảm ở đầu phiên và đảo chiều tăng ở cuối phiên, giữa bối cảnh đồng USD suy yếu và chứng khoán đỏ sàn đã thúc đẩy nhu cầu mua vào các tài sản an toàn như vàng.
Vào lúc 1 giờ 58 phút sáng ngày 18/5 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ tăng 0,3%, lên 1.277 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 6/2016 cũng tăng 0,2%, lên 1.276,9 USD/ounce.
Vào đầu phiên, hoạt động bán tháo chốt lời đã kéo giá vàng đi xuống, khi thị trường cổ phiếu khởi động khá tích cực. Thậm chí, chứng khoán châu Âu còn leo lên mức “đỉnh” của hai tuần qua nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu ngành khai khoáng. Tuy nhiên, xu hướng này đã xoay chiều vào cuối phiên, cùng với việc đồng USD hạ 0,03% so với rổ các đồng tiền chủ chốt, đã tạo lợi thế cho vàng.
Kể từ đầu năm tới nay, giá vàng thế giới đã tăng 20%, nhờ những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ kéo giãn lộ trình nâng lãi suất do quan ngại về tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự bất ổn của thị trường chứng khoán.
Một tín hiệu đáng mừng nữa đối với kim loại quý này đó là xu hướng trở lại thị trường của một số nhà đầu tư có sức ảnh hưởng lớn, như tỷ phú George Soros sau ba năm vắng bóng. Ông Soros đã quyết định mua lại 1,05 triệu cổ phiếu tại Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust với giá 123,5 triệu USD. Lượng vàng do quỹ này sở hữu liên tục tăng ổn định trong năm nay và hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2013.
Tuy nhiên, trong ngày 17/5, hai quan chức của Fed lại nhận định rằng ngân hàng này có thể quyết định nâng lãi suất tại cuộc họp tháng Sáu tới. Thông tin này phần nào cũng khiến đà tăng của vàng bị chững lại. Cụ thể, Chủ tịch chi nhánh của Fed tại Dallas, Robert Kapla cho rằng nền kinh tế Mỹ đủ vững vàng để Fed tiếp tục tiến hành đợt nâng lãi suất tiếp theo "trong tương lai không quá xa", song mức tăng sẽ được điều chỉnh một cách từ tốn. Cùng ngày, Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho hay giá tiêu dùng của nước này trong tháng Tư đã đạt mức tăng mạnh nhất trong hơn ba năm qua.
Hòa theo đà tăng của giá vàng, giá bạc và bạch kim giao ngay cũng lần lượt tăng 0,5% và 0,6% trong phiên này. Tuy nhiên, giá palađi lại giảm 1,5%.