Bên cạnh đó, những lạc quan về khả năng Chính phủ và Quốc hội Mỹ sẽ tiến tới một thỏa thuận về gói kích thích kinh tế mới liên quan tới khủng hoảng COVID-19 cũng góp phần đẩy giá dầu lên.
Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 20 xu Mỹ lên 47,82 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 32 xu Mỹ, lên 51,08 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ ngày 16/12 công bố báo cáo cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 11/12 vừa qua đã giảm 3,1 triệu thùng, cao hơn mức dự báo giảm 1,9 triệu thùng của giới phân tích tham gia khảo sát của Reuters.
Các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ cho biết họ và Nhà Trắng đã đạt được tiến bộ đáng kể sau thời gian dài nhiều tháng đàm phán về gói kích thích kinh tế mới liên quan đến đại dịch COVID-19 và một dự luật cứu trợ để ngăn chặn chính phủ đóng cửa.
Nhu cầu dầu của Mỹ đã giảm khoảng 13% kể từ đầu năm đến nay do đại dịch COVID-19 và số liệu về doanh số bán lẻ tháng 11/2020 cho thấy chi tiêu tiêu dùng của nước này cũng giảm trong tháng thứ hai liên tiếp do sự gia tăng số ca mắc mới COVID-19.
Nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu cũng suy yếu, trong đó đáng chú ý nhất là Trung Quốc. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 15/12 cảnh báo rằng sẽ phải mất một thời gian để đảo ngược sự suy giảm nhu cầu dầu toàn cầu trong thời kỳ đại dịch. IEA đã điều chỉnh hạ dự báo nhu cầu dầu trong năm nay xuống 50.000 thùng/ngày và trong năm tới là 170.000 thùng/ngày, với lý do lượng nhiên liệu sử dụng cho máy bay khi ít người di chuyển bằng đường hàng không.
Ngày càng nhiều nước ở châu Âu và các bang ở Mỹ thắt chặt các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 trong mùa Giáng sinh và Năm mới, điều có thể gây sức ép đến nhu cầu dầu mỏ. London đã tăng cường phong tỏa khi yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa, Italy đang xem xét thực hiện các yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong dịp Giáng sinh và Đức có thể sẽ bị phong tỏa cho đến đầu năm 2021.