Thị trường vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của đợt cắt giảm sản lượng mới nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+. Tâm lý lo ngại về hoạt động sản xuất đình trệ cũng đè nặng lên thị trường dầu.
Các nhà phân tích cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ ở mức cao cũng là nhân tố gây áp lực giảm giá đối với thị trường “vàng đen”. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sẽ có dư cung nhẹ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu vào năm 2024 ngay cả khi các quốc gia OPEC+ gia hạn cắt giảm sản lượng sang năm tới.
Giá dầu thế giới đã giảm hơn 2% trong phiên 30/11, sau khi OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện trong quý đầu tiên của năm 2024 ở mức không như kỳ vọng của thị trường.
Saudi Arabia, Nga và các thành viên khác của OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024. Tuy nhiên, ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày trong mức cắt giảm nói trên là phần được gia hạn từ các chương trình hạn chế nguồn cung mà Saudi Arabia và Nga đã thực hiện.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu Brent giao tháng 2/2024 giảm 1,98 USD/thùng (tương ứng 2,45%) xuống 78,88 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI hạ 1,89 USD (2,49%), xuống 74,07 USD/thùng.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm khoảng 2,1%, trong khi giá dầu WTI mất hơn 1,9%.
Số liệu từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes công bố trong ngày 1/12 cho thấy số giàn khoan dầu tuần này của Mỹ tăng thêm 5 giàn so với tuần trước đó lên 505 giàn, mức cao nhất kể từ tháng Chín.
OPEC+ đang tập trung cắt giảm sản lượng khi giá dầu liên tục giảm so với mức gần 98 USD/thùng được xác lập vào cuối tháng Chín.
Trong khi đó, trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết ngân hàng này sẽ điều chỉnh lãi suất một cách “thận trọng”. Theo một cuộc khảo sát, khu vực chế tạo của Mỹ vẫn trầm lắng và lượng việc làm tại các nhà máy sụt giảm trong tháng 11/2023.
Các cuộc khảo sát cho thấy các nhà đầu tư trên thị trường năng lượng đang theo dõi thận trọng hoạt động chế tạo trên quy mô toàn cầu, vốn vẫn trong thể trạng yếu do nhu cầu kém.