Sau năm phiên giảm mạnh từ tuần trước, thị trường dầu tiếp tục u ám trong phiên mở đầu tuần (5/11), khi Mỹ đã chính thức tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran nhưng tạm thời cho một số nước được phép tiếp tục mua dầu từ nước Cộng hòa Hồi giáo này. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn áp đặt trừng phạt lĩnh vực dầu mỏ của Iran một cách từ từ, viện dẫn những quan ngại về khả năng gây sốc đối với các thị trường năng lượng và khiến giá cả toàn cầu tăng vọt.
Giá “vàng đen” đã chịu áp lực trong thời gian qua khi các nước sản xuất dầu lớn, trong đó có Saudi Arabia và Nga, đã gia tăng sản lượng lên gần các mức cao kỷ lục, trong khi các số liệu kinh tế yếu ở Trung Quốc cũng dấy lên những nghi ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ.
Giá hai loại dầu chủ chốt đồng loạt đi xuống trong các phiên giao dịch liên tiếp tới cuối tuần, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết trong tuần trước dự trữ dầu thô đã tăng 5,8 triệu thùng, cao hơn gấp đôi dự kiến của các nhà phân tích trước đó. Sản lượng “vàng đen” của Mỹ cũng chạm mức kỷ lục của tuần khi tăng lên 11,6 triệu thùng/ngày.
Mặc dù lượng dầu xuất khẩu của Iran dự kiến sẽ sụt giảm do lệnh trừng phạt của Mỹ, song báo cáo từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà dự báo khác cho rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn sẽ dư cung trong năm 2019, giữa lúc nhu cầu tăng trưởng chậm lại.
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 9/11 đánh dấu phiên thứ 10 liên tiếp giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ , đây là chuỗi phiên lao dốc dài nhất của dầu WTI kể từ tháng 7/1984.
Kết thúc phiên này, giá dầu WTI giao tháng 12/2018 trên sàn Nymex tại New York giảm 48 xu Mỹ (tương đương 0,8%) xuống 60,19 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 8/3/2018. Tính chung cả tuần qua, giá mặt hàng này đã giảm 4,7%, ghi dấu 5 tuần giảm liên tiếp.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2019 cũng mất 47 xu Mỹ (tương đương 0,7%) còn 70,18 USD/thùng, đưa tổng mức giảm trong tuần lên 3,6%. Dầu Brent đã giảm khoảng 19% từ mức đỉnh hồi tháng Mười năm nay.
Cùng ngày, số liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã tăng 12 giàn, lên 886 giàn trong tuần này, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2018, qua đó cho thấy đà tăng trưởng của sản lượng của Mỹ vẫn không chững lại.
Trong khi đó, S&P Global Platts ngày 8/11 cho hay, Uỷ ban Giám sát hỗn hợp OPEC và ngoài OPEC (JMMC) có thể đề xuất cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày để bù đắp đà tăng sản lượng từ Nga và Saudi Arabia.
Dự kiến, ủy bản gồm các thành viên OPEC và một số nước sản xuất dầu sẽ nhóm họp tại Abu Dhabi vào cuối tuần này, trước khi cuộc họp chính sách quan trọng của OPEC diễn ra ngày 6/12 tại Vienna (Áo).