Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên 500-505 USD/tấn trong phiên ngày 31/12, mức cao nhất kể từ tháng 12/2011, so với mức 500 USD/tấn trong tuần trước do nguồn cung trong nước ít.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhiều khách mua từ Philippines vẫn tiếp tục mua vào nhưng với khối lượng nhỏ. Ngoài ra, hoạt động giao dịch diễn ra chậm chạp trong tuần này do nghỉ lễ.
Theo số liệu của chính phủ, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào năm 2020 được dự báo sẽ giảm 3,5% xuống còn 6,15 triệu tấn nhưng doanh thu xuất khẩu gạo tăng 9,3% lên 3,07 tỷ USD.
Giá gạo Thái Lan 5% tấm được bán ở mức 510-516 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức 516-520 USD/tấn trong tuần trước. Các thương nhân cho hay nhu cầu gạo Thái tạm chững lại do giá cao.
Tại nước xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ, giá gạo tấm 5% được giao dịch ở mức 1-7 USD/tấn trong tuần này, không đổi so với tuần trước đó, do nhu cầu ổn định từ các nước châu Á và châu Phi.
Thị trường nông sản Mỹ:
Giá các loại nông sản giao kỳ hạn diễn biến trái chiều trên Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ trong phiên cuối cùng của năm 2020 (31/12), trong đó, ngô Mỹ và đậu tương đều mức cao nhất của 6 năm rưỡi.
Khép phiên này, hợp đồng ngô giao tháng 3/2021 tăng 9,5 xu lên 4,84 USD/bushel, mức cao nhất kể từ ngày 16/5/2014. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 10,5 xu lên 13,11 USD/bushel, mức cao nhất kể từ ngày 23/9/2014. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao 3/2021 giảm 0,25 xu xuống 6,44 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá ngô Mỹ đã chạm mức cao nhất trong một thập niên trong bối cảnh Argentina thông báo sẽ hạn chế xuất khẩu ngô cho đến ngày 28/2/2021 để đảm bảo nguồn cung ứng lương thực dồi dào trong nước. Trong khi đó, lo ngại về tình hình thời tiết tại khu vực Nam Mỹ và vấn đề nguồn cung ngày càng giảm đã tiếp sức cho giá đậu tương. Còn lúa mỳ đã khép năm 2020 với mức giảm trong năm thứ tư liên tiếp.
Việc Argentina hạn chế xuất khẩu đã kích thích lượng mua nhiều hơn trên thị trường kỳ hạn vốn đã ở mức cao do thời tiết Nam Mỹ đe dọa mùa màng giữa lúc nhu cầu tăng mạnh và nguồn cung ngô và đậu nành toàn cầu sụt giảm. Theo các nhà khí tượng học, Argentina và khu vực nam Brazil dự kiến sẽ vẫn khô và nóng trong hai tuần tới.
Trong năm 2020, giá ngô đã tăng thêm 24,8% giá trị, giá đậu tương tăng 37,2% so với năm trước đó, còn giá lúa mỳ cộng thêm 14,6%.
Thị trường cà phê thế giới:
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020 (31/12), giá cà phê Robusta giao tháng 1/2021 tại London đã tăng 10 USD/tấn (0,73%), lên mức 1.374 USD/tấn. Còn giá cà phê Arabica giao tháng 3/2021 tại sàn New York (Mỹ) tăng 2,85 cent/lb (2,27%) ở mức 128,25 cent/lb (1lb = 453,59gr)
Ngay sau phiên giao dịch này sàn cà phê thế giới đã bước vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2021. Giá cà phê trên cả hai sàn những ngày cuối năm giao dịch thận trọng. Báo cáo về lượng hàng dự trữ trong các kho cho thấy lượng cà phê Arabica do ICE-New York quản lý đã vượt 1,35 triệu bao, góp phần làm giảm mối lo thiếu hụt nguồn cung.
Tính chung cả năm 2020, giá cà phê Robusta trên sàn London mất 7,29% giá trị, giá Arabica mất 8,43% giá trị. Giá cà phê Robusta từng ghi nhận mức thấp kỷ lục trong 10 năm là 1.073 USD/tấn hồi tháng 4/2020.
Tại thị trường trong nước phiên 2/1, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 32.600 đồng/kg. Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 33.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê được thu mua cùng mức 32.900 đồng/kg. Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 32.900 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 32.800 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 32.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 32.900 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 32.800 đồng/kg. Nhìn chung, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm trong nước không thay đổi so với hôm qua.