Nhiều siêu thị khuyến mại rầm rộ nhưng sức mua chỉ cải thiện đáng kể |
Ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, như chợ Thị Nghè (Bình Thạnh), Phước Long B (quận 9), Tân Định (quận 1)… vào giờ cao điểm nhưng khá vắng khách. Chị Hải Anh, chuyên bán thủy sản tại chợ Thị Nghè, than vãn: “Trung bình một buổi sáng tôi sẽ bán hết 300 kg cá các loại, nhưng gần đây với 300 kg cá, tôi phải ngồi đến chiều mới hết hàng. Thậm chí, có ngày hàng còn nhiều, tôi phải mang đi bán dạo tại chợ tự phát”. Còn theo đại diện một số ban quản lý chợ, sức mua tại các chợ đang giảm 20-30% so với cùng kì năm ngoái dù nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, giá cả vẫn ổn định. Tuy nhiên, sức mua giảm cũng đã khiến một số tiểu thương buôn bán cầm chừng, một số phải sang sạp, bỏ kinh doanh.
Tình hình kinh doanh ế ẩm không chỉ xảy ra tại các chợ lẻ mà còn xảy ra tại các chợ đầu mối. Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho hay hiện nguồn cung hàng hóa về chợ khá ổn định, dao động từ 2.000-3.000 tấn/đêm. Giá các mặt hàng rau củ quả vẫn đứng vì sức mua chậm. “Nhiều tiểu thương chuyên bán buôn nay phải chuyển sang bán lẻ tới 8 – 9 giờ sáng mới hết hàng cũng vì sức mua dè dặt”, bà Hà cho biết. Cũng theo bà Hà, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay sức mua tại chợ đang giảm khoảng 10%. “Sở dĩ sức mua giảm là do người dân thắt chặt chi tiêu nên việc kinh doanh tại các chợ lẻ ế ẩm, kéo theo đó ảnh hưởng tới sức mua tại các chợ đầu mối”, bà Hà nhận định.
Cùng chung tình hình, tại các siêu thị, trung tâm điện máy… việc kinh doanh cũng không mấy khả quan hơn. Anh Nguyễn Khánh, Trưởng phòng kinh doanh của công ty điện máy Hoàng Anh, cho biết: “Những tháng đầu năm, doanh số tụt giảm khoảng 10% so với cùng kì năm ngoái khiến doanh thu cũng giảm. Trong khi đó, một năm kinh phí dành cho khuyến mãi của công ty tăng 20-30% để kéo sức mua. Chưa kể, công ty cũng phải tăng cường thêm các nhân viên kinh doanh để phát triển mạng lưới ở nhiều tỉnh thành khác nhau nhằm mở rộng đầu ra cho sản phẩm”.
Sức mua giảm không những ảnh hưởng tới tiểu thương kinh doanh tại các chợ, nhiều nhà sản xuất các ngành hàng may mặc, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, điện máy… cũng “đứng ngồi không yên”. Chị Lê Thị Hà, Giám đốc công ty may mặc Thu Hà (quận Thủ Đức), chia sẻ: “Tình hình kinh doanh hiện lại ế ẩm. Với tình hình này, sắp tới doanh nghiệp sẽ vừa phải sản xuất, vừa xem chừng thị trường nhằm tránh tình trạng sản xuất quá nhiều không tiêu thụ hết”.
Theo Cục thống kê Thành phố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 57.292 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước. |
Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu Tư TP Hồ Chí Minh, cho biết mặc dù có nhiều chương trình khuyến mại nhân dịp Lễ 2/9, mua sắm cho năm học mới, mùa bánh Trung thu…, thế nhưng sức mua sắm hàng hóa và các dịch vụ tại TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức tăng nhẹ. Báo cáo của Cục thống kê Thành phố cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 57.292 tỷ đồng, tăng 2,1% so tháng trước. Theo đó, 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 493.439 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ, loại trừ yếu tố giá tăng 10,4%.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân sức mua giảm một phần là do thời điểm này người dân không mua sắm nhiều nhằm tiết kiệm chuẩn bị cho nhu cầu sử dụng cuối năm. Mặt khác, thời gian qua thị trường bị tác động bởi sự biến động tỷ giá, NHNN phải điều chỉnh tăng tỷ giá VND/USD tới 3 lần nên việc tiền đồng mất giá đã tạo tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Vì thế, dù thời gian qua các DN liên tục tăng mức khuyến mãi bằng cách giảm giá trực tiếp trên sản phẩm mới mong bán được hàng nhưng vẫn không kéo được sức mua.
Để kích cầu sức mua, nhiều ý kiến cho rằng, ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần có các giải pháp nâng tổng cầu, thúc đẩy các nguồn vốn lưu chuyển mạnh mẽ trong các lĩnh vực đầu tư cơ bản, tiếp tục xử lý nhanh vấn đề nợ xấu, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo đó, yếu tố niềm tin cũng tác động mạnh mẽ tới tâm lý và hành vi mua sắm của người dân. Nói cách khác, để cải thiện sức mua, trước hết phải cải thiện chỉ số niềm tin nơi người tiêu dùng. Phải làm cho người dân nhìn thấy các cơ chế, chính sách đang thấm mạnh vào cuộc sống, từ đó thúc đẩy nhanh sự phục hồi của nền kinh tế. Chỉ như vậy mới mong người dân bớt “thắt lưng, buộc bụng".