Trước thông tin hàng loạt các nhà cung cấp sẽ tăng giá từ nay đến giữa tháng 4, nhiều siêu thị tại TP.HCM và chợ truyền thống đang lo ngại sức mua sẽ tiếp tục giảm mạnh. Để đối phó với tình hình trên, các doanh nghiệp (DN) đang tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tìm mọi cách để tiêu thụ hàng.
Chỉ nhận mức tăng hợp lý
Theo các nhà cung cấp hàng cho siêu thị, nguyên nhân giá tăng là do giá xăng tăng đã kéo giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, theo đó chi phí sản xuất tăng. Tuy nhiên, đại diện các siêu thị cho biết, không phải mặt hàng nào tăng giá cũng sẽ được siêu thị chấp nhận.
Nhiều mặt hàng tăng giá, người tiêu dùng phải tính toán lại chi tiêu. |
Ông Phạm Hữu Nghị, phòng marketing - siêu thị LotteMart cho hay, trong số 80 loại hàng thông báo tăng giá của các nhà cung cấp, hiện LotteMart không đồng ý với 5-10 loại hàng đề nghị tăng giá, đang xem xét 45 - 50 loại hàng đề nghị và chỉ đồng ý với 10 - 20 loại hàng đề nghị, nhưng vẫn đang đàm phán với nhà cung cấp nhằm đưa ra kết luận mức giá cuối cùng. Dù vậy, ông Nghị cũng thừa nhận, ngành hàng thực phẩm tươi sống là ngành hàng nhạy cảm, có ảnh hưởng trực tiếp bởi giá xăng, dầu do phải vận chuyển trong thời gian ngắn để đảm bảo độ tươi ngon và chất lượng tốt. Vì thế, việc tăng giá ngành hàng này có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, do nhóm ngành này báo giá tăng cao đến hơn 50% so với giá cũ nên LotteMart đang thương lượng. “Nếu mức tăng giá mà nhà cung cấp đề nghị là không hợp lý, LotteMart có thể dừng giao dịch hoặc ngừng đặt hàng”, ông Nghị cho biết.
Tương tự, các siêu thị Co.opmart, Citimart, Big C cũng cho biết họ liên tiếp nhận được thông báo tăng giá đợt này với mức đề nghị điều chỉnh tăng 5 -10% so với giá cũ. Theo đại diện Big C, những mặt hàng tăng giá này chiếm tỷ lệ nhỏ trong siêu thị nên không ảnh hưởng lớn đến thị trường. Tuy nhiên, siêu thị vẫn đang cố gắng đàm phán mức giá và thời gian tăng giá hợp lý. Chậm nhất là giữa tháng 4, giá những mặt hàng này mới có thể tăng.
Hàng giá rẻ lên ngôi
Tuy nhiên, với các siêu thị, điều đáng lo ngại hiện nay là vừa phải đối phó với các mặt hàng tăng giá, vừa phải tìm cách kích cầu mua sắm khi sức mua tại các siêu thị có chiều hướng sụt giảm. Ông Ngô Văn Hải, Phó giám đốc siêu thị Citimart cho biết, mặc dù khách vào siêu thị không kém sôi động, nhưng phần lớn người “ngắm” nhiều hơn người mua.
Thống kê tại siêu thị LotteMart, đợt tăng giá lần này (trừ những mặt hàng thiết yếu) sức mua của khách hàng giảm từ 5 -10% so với trước khi tăng giá. Hiện người tiêu dùng có xu hướng tập trung vào các mặt hàng giảm giá, khuyến mãi cũng như đăng ký hội viên để được ưu đãi mua hàng giảm giá và tích lũy điểm. Đồng thời, tập trung vào các mặt hàng Việt Nam có mức giá tương đối và hạn chế các mặt hàng cao cấp, hàng nhập khẩu.
Trước tình hình trên, các siêu thị đã tính toán lại phương án kinh doanh, cụ thể là tích cực tung ra các chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm. Như khuyến mãi giá sốc hàng tươi sống hàng tuần đến 40%, mua 1 tặng 1 từ ngày 29/3 - 11/4/2012 của siêu thị LotteMart; siêu thị Co.opMart với “Khuyến mãi đồng giá”, “Mua nhiều - trúng lớn” nhân dịp sinh nhật lần thứ 16; “Đã rẻ nay còn rẻ hơn”, “Giá rẻ mùa hè” của Big C. Ngoài ra, các siêu thị cũng tăng cường đẩy mạnh các mặt hàng thiết yếu mang nhãn hiệu riêng của siêu thị nhằm giúp người tiêu dùng thêm nhiều lựa chọn.
Các nhà phân phối, cung ứng nhỏ, lẻ cũng đẩy mạnh khuyến mãi trước áp lực sức mua không theo kịp giá thị trường. Tuy nhiên, so với siêu thị thì việc kinh doanh vẫn không cải thiện đáng kể. Thực tế, sức mua của thị trường sụt giảm từ đầu năm đến nay. Tại nhiều doanh nghiệp, doanh thu tháng 3 giảm đến 10 - 20% so với cùng kỳ.
Một số công ty đã thực hiện các chương trình giảm giá nhưng cũng không có tác dụng. Điều này cho thấy, người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu một cách rõ rệt. Trước tình hình này, các công ty phải điều chỉnh kế hoạch năm và dừng lại một số chương trình phát triển sản phẩm mới, đồng thời tìm thêm nguồn tiêu thụ, đặc biệt là kênh trường học và nhà hàng, khách sạn… cũng như mở thêm đại lý bán hàng.
Hải Yên