Khảo sát của phóng viên sáng 24/4 tại các chợ trọng điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như Tân Định (quận 1), Phạm Văn Hai (Tân Bình)... thịt heo đùi giữ giá 70.000 đồng/kg, thịt ba rọi từ 85.000 - 90.000 đồng kg, sườn non hơn 120.000 đồng/kg... Riêng các chợ khu vực ngoại thành hoặc chợ tạm phục vụ công nhân, người lao động... giá có hạ hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg nhưng vẫn chưa tương xứng với giá đầu vào của các thương lái mua heo hơi về giết mổ phân phối lại cho người tiêu dùng.
"Giá thịt heo ở đây có vẻ rẻ hơn những chỗ khác vì lấy nguồn từ các điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn. Rất nhiều trường hợp heo đến kỳ phải xuất chuồng nhưng do giá thương lái thu mua rẻ mạt, người chăn nuôi tự giết mổ tiêu thụ. Vì vậy giá thịt bán ra có rẻ hơn so với khu vực nội thành nhưng chắc chắn chất lượng khó kiểm soát hơn nhiều", chị Hương - chủ một sạp bán thịt heo ở chợ tạm trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân), cho hay.
Theo các chuyên gia trong ngành, tương tự như nhiều loại nông sản khác, khi có những biến động về giá chỉ có người trực tiếp sản xuất và người tiêu dùng là chịu thiệt thòi. Riêng bộ phận trung gian là các nhà phân phối và thương lái hầu như không bị ảnh hưởng mà còn thu lợi nhiều hơn. Tính toán của nhiều người trong cuộc, với giá thấp kỷ lục trên, mỗi con heo bán ra người nuôi lỗ từ 1,8-2 triệu đồng. Tuy nhiên căn cứ vào giá bán thịt heo đến tay người tiêu dùng, thương lái đang thu lãi từ 2-3 triệu đồng/con/100kg.
Người chăn nuôi phải bán heo với giá thấp bất hợp lý nhưng giá thịt heo đến tay khách hàng vẫn giữ giá cao. |
"Ở các quốc gia phát triển đều có khâu trung gian là thương lái tham gia vào chuỗi sản xuất vì bản thân nông dân không thể tự đem sản phẩm của mình ra chợ bán được. Điều đáng quan tâm là ở nước ta, khâu trung gian đang hưởng lợi quá nhiều và chưa chia sẻ khó khăn với nhà nông và người tiêu dùng. Điều phải làm ngay lúc này là sự ra tay của ngành chức năng, cơ quan quản lý trong việc tăng cường giám sát thương lái, cơ sở giết mổ, địa điểm bán buôn, bán lẻ... kịp thời có biện pháp can thiệp nếu phát hiện có dấu hiệu sai phạm", ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhận xét.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng thực tế giá heo hơi giảm mạnh như hiện nay còn do tình trạng thương lái làm giá, ghìm giá thu mua thấp nhằm trục lợi bất chính. Người chăn nuôi heo đang phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái khi lực lượng này toả ra thu mua, sau đó gom lại bán lại cho lò giết mổ. Các lò giết mổ không trực tiếp bán cho người bán lẻ để bán cho người tiêu dùng mà lại phải thông qua các nhà bán buôn. Qua nhiều tầng, nhiều nấc trung gian như thế nên giá thu mua trực tiếp từ người chăn nuôi và giá bán ra cho khách hàng luôn cách xa nhau bất hợp lý.
"Cả thương lái, nhà bán buôn và điểm bán lẻ đều tìm mọi cách hưởng lợi tối đa mà không thèm quan tâm đến người chăn nuôi và người tiêu dùng. Điều này rất bất hợp lý vì tại những đất nước khác như Thái Lan, đối tượng trực tiếp sản xuất thường hưởng đến 70% giá trị lợi nhuận chứ không phó mặc may rủi như ở ta. Theo tôi, cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là ngành công thương cần can thiệp sâu, làm tốt vai trò nhạc trưởng, điều phối hài hoà lợi ích giữa các bên trong chuỗi, hạn chế tối đa những bất hợp lý về lợi ích như hiện nay", ông Đoán nói thêm.