Ông Lê Văn Sấm, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) cho biết: Những năm gần đây, bà con nông dân phát triển nuôi tôm nhiều cũng như ảnh hưởng của thị trường thế giới nên giá tôm nguyên liệu rất thấp.
"Người nuôi cần thay đổi mô hình nuôi thì mới có lãi, dù hơi thấp so với trước. Nếu như trước đây, người nuôi tôm có thể có lợi nhuận từ 50.000-70.000/kg, hiện nay mỗi kg tôm chỉ có thể lãi từ 20.000-40.000 đồng. Với giá tôm hiện tại, người nuôi tôm phải giảm chi phí đầu vào mới có lợi nhuận. Nếu vẫn nuôi theo phương pháp truyền thống thì không có lãi", ông Sấm phân tích.
Ông Lê Văn Sấm cho hay, vụ nuôi tôm 2024 này, hiện giá tôm thẻ loại 50-70 con /kg, giá bán khoảng 90.000 đồng/kg; loại 30 con/kg, chỉ khoảng 115.000-120.000 đồng/kg, giảm từ 35.000-50.000 đồng/kg so với trước.
Theo ông Lê Văn Sấm, nghề nuôi tôm vốn hay gặp rủi ro, trong khi giá tôm thấp như hiện nay, người nuôi rất dễ “dính" nợ, nhất là những hộ không có vốn phải vay ngân hàng để nuôi. Đây cũng là trăn trở của đa số bà con nuôi tôm trong giai đoạn hiện nay.
Dù vậy, theo ông Sấm, nông dân nuôi tôm muốn làm giàu thì chỉ có áp dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, bởi mô hình này thu lợi nhuận rất cao so với cách nuôi truyền thống, nếu như giá bán tốt.
Theo ông Lê Văn Sấm, sau hơn 5 năm chuyển sang mô hình nuôi tôm công nghệ cao, hiệu quả kinh tế gia đình rất tốt. Đến nay, gia đình ông phát triển tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 45 ha. Với diện tích trên, mỗi năm thu hoạch khoảng 500-700 tấn tôm nguyên liệu, lợi nhuận khoảng 40 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết: Theo dự báo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 6 tháng cuối năm 2024, giá tôm nguyên liệu có thể tăng 20%. Đây là tín hiệu vui để tác động người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao còn lại với khoảng 170 ha trong kế hoạch phát triển 500 ha của năm 2024.
Để phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi ở các địa phương ven biển. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Điền cho hay, tỉnh đang triển khai Dự án hạ tầng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Dự án nhằm đảm bảo hạ tầng giao thông, điện phục vụ sản xuất ổn định, bền vững cho vùng nuôi trồng thủy sản khoảng 2.000 ha; trong đó có 500 ha được quy hoạch nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao tại xã Bảo Thuận và thị trấn Tiệm Tôm, huyện Ba Tri.
Dự án bao gồm các hạng mục như đầu tư xây dựng 6 tuyến đường giao thông phục vụ sản xuất có chiều dài khoảng 18,483 km đạt tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn cấp A, đường cấp V, cấp VI đồng bằng và các công trình trên tuyến (1 cầu và 18 cống); xây dựng mới tuyến điện trung thế 3 pha dài 24,212 km. Tổng mức đầu tư 164 tỷ đồng.
Đến nay, dự án đang thi công các tuyến đường và các cống qua đường, khối lượng đạt khoảng 62% giá trị hợp đồng. Ngoài dự án này, tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng dự án hạ tầng vùng nuôi tôm công nghệ cao huyện Thạnh Phú, khoảng 300 tỷ đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, xác định thủy sản là một trong hai ngành kinh tế mũi nhọn, lấy đối tượng xuất khẩu làm chủ lực phát triển, tỉnh hiện tập trung trên 5 đối tượng nuôi chủ yếu gồm tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra, nghêu và tôm càng xanh. Trong đó, tôm nước lợ chiếm 76% cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh, với khoảng 36.300 ha.
Đáng chú ý, Bến Tre đặt mục tiêu phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao đạt 4.000 ha vào cuối năm 2025. Theo UBND tỉnh Bến Tre, sau hơn 3 năm triển khai Kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao tại địa phương đã đạt kết quả khả quan. Đến nay, tỉnh Bến Tre đã phát triển được hơn 3.430 ha, đạt 85,76% kế hoạch; sản lượng tôm nuôi ước đạt 160.188 tấn.
Theo đánh giá của ngành chức năng địa phương, hình thức nuôi ứng dụng tôm ứng dụng công nghệ cao mà các doanh nghiệp và người nuôi tại Bến Tre đã triển khai mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn nhất định như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chất lượng con giống không đảm bảo, kết cấu hạ tầng nhiều nơi chưa đáp ứng, tổ chức sản xuất còn nhỏ lẻ và thiếu tính liên kết.
Do đó, để phát triển nuôi thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, ổn định và bền vững, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ cho kinh tế thủy sản phát triển. Các ngân hàng quan tâm thẩm định đầu tư hợp lý cho các dự án khả thi triển khai nuôi tôm theo quy trình nuôi ứng dụng công nghệ cao để đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất.