Hiện các doanh nghiệp phân bón đều tỏ ra thận trọng đối với mục tiêu kết quả sản xuất kinh doanh năm nay. Theo đó, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp này đặt ra đều giảm so với năm trước.
Năm 2023, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ) đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ đồng. So với kết quả đột biến năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ giảm 13% về doanh thu và giảm 60% về lợi nhuận.
Công ty DAP – Vinachem lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu ước đạt 3.243 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức 101,4 tỷ đồng, giảm hơn 73% so với năm trước.
Tương tự, Công ty Phân bón Bình Điền đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 7.476 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 14,3% và 6% so với năm trước.
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giá phân bón đang giảm nhanh khi chi phí khí đốt tự nhiên, nguyên liệu quan trọng để sản xuất phân bón và nhu cầu của nông dân cùng giảm.
Đặc biệt, sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại và không còn hạn chế xuất khẩu 29 loại phân bón, nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới không còn tình trạng khan hiếm cục bộ.
Nếu như đầu năm 2022 giá phân bón tăng theo tỷ lệ thuận của giá dầu khí thế giới, thì từ quý IV/2022 giá dầu khí tuy không tăng nhưng giá các loại phân bón lại liên tục giảm mạnh, nhất là đạm ure.
Trang tin thị trường phân bón AgroMonitor cho biết, chào giá ure tại Việt Nam đầu tháng 6 tiếp tục giảm nhẹ từ cuối tháng 5. Điều này càng khiến biên lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thu hẹp so với mức nền cao của năm 2022.
Để giảm tình trạng tồn kho phân bón tại thời điểm nhu cầu phân bón trong nước thấp, các doanh nghiệp sản xuất đang đẩy mạnh xuất khẩu phân bón.
Tuy vậy, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, tiềm năng xuất khẩu ure của các nước xuất khẩu ure; trong đó có Việt Nam có thể giảm sút. Nguyên nhân do giá nguyên liệu giảm và các nước châu Âu đã tìm được sản phẩm thay thế dầu, khí của Nga.
Ngoài ra, ure Trung Quốc cạnh tranh hơn về giá nên việc khôi phục xuất khẩu ure của Trung Quốc càng gây khó khăn hơn cho các công ty sản xuất ure của Việt Nam trong việc xuất khẩu.
Cùng với đó, thị trường tiêu thụ phân bón lớn như Ấn Độ đang suy yếu với chính sách giảm phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu và hiện tượng thời tiết El Nino ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ phân bón.
Dù chưa có số liệu quý II/2023, song theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón toàn ngành trong quý I đạt 405 nghìn tấn, giảm 15% so với cùng kỳ. Như xuất khẩu ure của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau lần lượt đạt 40 nghìn tấn, giảm 57% so với cùng kỳ và 92 nghìn tấn, giảm % so với cùng kỳ năm trước.
Trên cơ sở này, SSI điều chỉnh dự báo ước lợi nhuận năm 2023 của Đạm Phú Mỹ xuống 1,23 nghìn tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận của Đạm Cà Mau cũng giảm xuống 1,18 nghìn tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chưa kể, đối với Đạm Phú Mỹ, theo quan sát của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank, nguồn khí đầu vào tuy vẫn được đảm bảo cung ứng đầy đủ nhưng tỷ trọng nguồn khí đồng hành có giá thấp (mỏ Bạch Hổ - Rồng Đồi Mồi, thuộc Bể Cửu Long) đạt công suất thấp hơn kế hoạch và đang suy giảm nhanh hơn dự báo, trong khi đó tỷ trọng khí cấp bù từ nguồn khác (Nam Côn Sơn và Cửu Long khác) tăng lên và có mức phí vận chuyển cao, khiến giá thành chi phí khí gia tăng. Điều này khiến cho biên lợi nhuận gộp càng bị thu hẹp.
Đáng chú ý, giới chuyên môn cho rằng, ngoài những tác động về giá ure và thị trường xuất khẩu, ngành phân bón trong nước đang chịu tác động bất lợi từ chính sách thuế giá trị gia tăng phân bón trong Luật Thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.
Theo quy định luật này, phân bón là mặt hàng thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2015. Do đó, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào, toàn bộ chi phí này phải tính vào chi phí sản xuất. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân khiến người dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao. Do đó, người dân có xu hướng chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà cho rằng, cần sớm đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, để giảm khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, hài hoà lợi ích người dân, đồng thời gia tăng tính cạnh tranh cho phân bón trong nước so với phân bón nhập khẩu.
Trước đó, một báo cáo của Công ty Chứng khoán KIS thống kê, trong quý I vừa qua, 26 công ty phân bón niêm yết đạt doanh thu 21.375 tỷ đồng, giảm 17,9% so với quý liền kề trước đó và giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận gộp đạt 3.290 tỷ đồng giảm 50,8% so với quý trước và giảm 67,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm xuống còn 1.375 tỷ đồng, giảm lần lượt 64,6% so với quý trước và giảm 80,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch 13/6, nhóm cổ phiếu ngành phân bón gồm DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ) có giá 33.300 đồng, DCM của Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau có giá 25.500 đồng, DGC của Tập đoàn Hoá chất Đức Giang có giá 62.700 đồng, BFC của Phân bón Bình Điền có giá 18.700 đồng/đơn vị.