Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ) vào lúc 14 giờ 48 phút giờ Việt Nam, giá vào giao ngay đã giảm 0,5% xuống 1.186.29 USD/ounce. Trong phiên trước, giá kim loại quý này đã rơi xuống 1.180,34 USD/ounce - mức thấp nhất kể từ ngày 17/8.
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng sụt mất 0,5% xuống 1.190,6 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chủ chốt khác - tăng 0,1% phiên này và vẫn ở quanh mức cao của ba tuần được ghi nhận trong phiên trước đó.
Nhà phân tích Barnabas Gan thuộc công ty tài chính OCBC cho biết giá vàng vẫn phụ thuộc vào đồng USD tại thời điểm này, khi nền kinh tế Mỹ tỏ ra “khỏe mạnh” hơn dự kiến. Từ góc độ kinh tế, những nỗ lực của chính quyền tổng thống Donald Trump trong việc giảm thâm hụt thương mại của nước Mỹ cũng tạo môi trường thuận lợi cho đồng bạc xanh.
Trong khi đó, sau quá trình đàm phán căng thẳng kéo dài hơn một năm, Mỹ và Canada vào ngày 30/9 đã chính thức đạt được thỏa thuận về sửa đổi và nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Điều này đồng nghĩa với việc thỏa thuận NAFTA giữa Mỹ, Mexico và Canada kéo dài gần 25 năm qua với tổng giá trị trao đổi thương mại lên tới 1.200 tỷ USD được cứu vãn.
Ông Benjamin Lu, nhà phân tích thị trường hàng hóa tại công ty môi giới đầu tư Phillip Futures cho biết, hiện vàng chưa có bất cứ phản ứng tức thời nào về NAFTA. Nhưng về lâu dài, việc NAFTA được cứu vãn sẽ hỗ trợ cho đồng USD.
Chuyên gia này còn nhận định giá vàng vẫn phải chịu nhiều áp lực giảm giá khi Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất và xu hướng kinh tế Mỹ đi lên. Ít nhất trong quý này, các yếu tố cơ bản đều không thuận lợi cho giá vàng.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc tụt mất 0,3% xuống 14,56 USD/ounce. Trong lúc giá bạch kim cũng giảm 0,2% xuống 810,65 USD/ounce.