Cẩn trọng vì độ vênh giá vàng trong nước và quốc tế lớn
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: Giá vàng SJC tăng theo giá vàng thế giới nhưng luôn tăng mạnh hơn. Giá vàng thế giới thời gian gần đây tăng nhưng vẫn là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư khi xung đột tại Trung Đông kéo dài; tâm lý mua vàng còn giữ được giá khiến nhiều người ưu tiên tích trữ vàng hơn.
Không chỉ vậy, lãi suất huy động ngân hàng quá thấp; kinh doanh bất động sản vẫn còn khó khăn nên một số nhà đầu tư đổ tiền vào kinh doanh vàng. Chính tâm lý “đám đông” khiến giá vàng tăng rất cao.
“Người mua vàng cần cẩn trọng vì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao, khoảng 18 - 19 triệu đồng/lượng; đồng thời giá chênh lệch hai chiều (mua và bán ra) ở mức cao, có thể gây bất lợi cho nhà đầu tư vàng khi thị trường có những biến động. Giá vàng thế giới thời gian qua tăng mạnh so với phiên trước, sau khi các nền kinh tế lớn trên thế giới trong đó có Mỹ đã công bố hàng loạt thông tin kinh tế kém tích cực”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Theo phân tích kỹ thuật, khi chỉ số nhà quản trị mua hàng lĩnh vực sản xuất, số đơn đặt hàng mới, chỉ số việc làm sản xuất tháng 2/2024 đều giảm mạnh, cho thấy nền kinh tế Mỹ đang gặp khó khăn. Trong khi đó kỳ vọng tiêu dùng và niềm tin của người tiêu dùng lại sụt giảm mạnh. Điều này cảnh báo lĩnh vực sản xuất tại Mỹ sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: “Hiện, nguồn cung và cầu của vàng SJC lệch nhau. Cầu có nhiều nhưng nguồn cung hạn chế. Các ngân hàng mua đi bán lại các lượng vàng SJC đang có trên thị trường và rất nhiều người dân đang mong muốn giữ vàng trong tay. Lượng bán vàng ít nên giá tăng là đương nhiên”. Không chỉ vậy trong tháng Giêng này, việc mua bán vàng để cầu may vẫn diễn ra nên giá vàng SJC và vàng nhẫn vẫn tăng. Trong khi đó, một số chuyên gia dự báo: Giá vàng thế giới có thể đạt ở mức 2.100 – 2.400 USD/ounce
Theo một số chuyên gia kinh tế: Giá vàng nhẫn thời gian qua tăng mạnh là do nhu cầu mua cầu may, tích trữ trong dân tăng; thời điểm về lễ hội, cưới xin đặc biệt nhiều nhà đầu tư đang quan tâm về việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về kinh doanh vàng.
Dự báo về giá vàng thời gian tới, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Trong tháng 3/2024, giá vàng thế giới rơi vào mức ngưỡng 2.000 USD/ounce, mức tăng sẽ không quá lớn. Giá vàng thường tăng dịp cuối năm nên nhà đầu tư nên cẩn trọng trong quá trình kinh doanh.
Đề xuất Việt Nam nên tự do thị trường vàng
Từ năm 2012, khi Nghị định 24 được ban hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đơn vị được giao tổ chức và quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, tức trên thị trường chỉ còn duy nhất thương hiệu này.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước “một mình một chợ”, ngày càng chênh lệch lớn với giá vàng thế giới. Ngoài độc quyền vàng miếng SJC, Nghị định 24 cũng không cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, dẫn đến khan hiếm vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, một số doanh nghiệp thậm chí còn phải dùng vàng SJC để sản xuất vàng trang sức, nên càng làm giá vàng miếng SJC bị đẩy lên cao.
Ông Shaokai Fan là Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới cho biết: Giá vàng miếng tại Việt Nam đang có sự chênh lệch lớn với giá vàng thế giới.
Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng: NHNN sẽ cân nhắc nhiều phương án khác nhau trong sửa đổi nội dung Nghị định 24. Các sửa đổi sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở không làm gián đoạn thị trường vàng. Hiện nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hy vọng thị trường vàng tới đây sẽ được tự do hóa hơn. Bất kỳ quy định mới nào cho phép nhập khẩu vàng cũng sẽ giúp kéo giảm khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
“Điều quan trọng nhất, ngay cả khi Việt Nam đang quản lý nhập khẩu vàng chính ngạch rất chặt chẽ thì nhu cầu vàng trong nước vẫn rất mạnh mẽ và vẫn đang được đáp ứng bởi nguồn vàng đến từ đâu đó, nếu không phải từ nguồn chính thức thì sẽ là nguồn phi chính thức. Vì vậy, sửa đổi Nghị định 24 một cách phù hợp sẽ giúp Chính phủ quản lý được nguồn vàng chính thức. Tôi nghĩ vàng hóa không còn là mối lo ngại của Việt Nam do vị thế kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay đã khác rất nhiều 15 năm trước. Điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lòng tin vào đồng nội tệ. Chừng nào nền kinh tế vẫn tăng trưởng, đồng nội tệ vẫn ổn định thì sẽ không có nguy cơ vàng hóa”, ông Shaokai Fan cho biết.
Việt Nam cũng có thể học hỏi mô hình quản lý thị trường vàng của một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… Đây là các nước chủ yếu nhập khẩu vàng (không sản xuất vàng) song vẫn đáp ứng tốt nhu cầu vàng nội địa.
Năm 2023, nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam nói chung giảm nhẹ, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước từ 59,1 tấn năm 2022 xuống còn 55,5 tấn. Trong đó, cầu vàng miếng và vàng xu giảm nhẹ 2%, cầu vàng trang sức giảm 16%. Đầu tư vàng của Việt Nam có sự cải thiện trong quý 4/2023 khi các nhà đầu tư hưởng ứng sự điều chỉnh giá. Tuy nhiên, nhu cầu tăng và các sự lựa chọn đầu tư vàng bị hạn chế đã dẫn đến mức chênh lệch đáng kể đối với vàng miếng SJC.
“Tôi cho rằng, thời gian tới, tiềm năng tăng trưởng của thị trường vàng Việt Nam vẫn còn rất lớn nhờ mức độ giàu có của người dân tăng theo, cộng thêm yếu tố thuận lợi về nhân khẩu học”, ông Shaokai Fan chia sẻ.
Vàng nhẫn tiếp tục “leo thang”
Tính đến 19 giờ ngày 4/3, giá vàng trong nước niêm yết quanh ngưỡng 78,35 - 80,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco ở mức 2.083 USD/ounce.
Sau khi giảm nhẹ phiên sáng 4/3, vào lúc 16 giờ chiều 4/3, giá vàng SJC tại các doanh nghiệp trong nước đồng loạt tăng thêm từ 400.000 - 500.000 đồng/lượng.
Cụ thể: Công ty Doji Hà Nội và Công ty Doji Thành phố Hồ Chí Minh tăng giá mua và bán thêm 500.000 đồng/lượng, giá mới từ 78,65 - 80,65 triệu đồng/lượng. Tương tự, Công ty vàng bạc Phú Quý cũng tăng 450.000 đồng, doanh nghiệp giao dịch quanh mức 78,60 - 80,50 triệu đồng/lượng.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty PNJ tăng giá vàng nhẫn 9999 thêm 100.000 đồng/lượng ở chiều mua và bán so với sáng 4/3 lên 65,5 triệu đồng/lượng mua vào và 66,7 triệu đồng/lượng bán ra, tăng tổng cộng là 250.000 đồng/lượng cả 2 chiều so với phiên trước.
Ở Hà Nội, Tập đoàn Doji niêm yết vàng nhẫn 9999 ở mức 66,7 triệu đồng/lượng mua vào và 67,85 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng mua vào và 250.000 đồng/lượng bán so với phiên trước. Đây là mức giá vàng nhẫn 9999 cao nhất của doanh nghiệp này từ trước đến nay.