Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được các bộ, ngành và địa phương tập trung đẩy mạnh thực hiện. Theo đó, tháng 11/2024 ước đạt gần 75,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý đạt 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8%; vốn địa phương quản lý 62,7 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1%.
Tính chung, 11 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 73,5% kế hoạch năm, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 76,3% và tăng 24,3%).
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 100,1 nghìn tỷ đồng, bằng 79,6% kế hoạch năm và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, Bộ Giao thông vận tải đạt 62,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,0%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 8,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2%; Bộ Y tế đạt 998,2 tỷ đồng, tăng 26,5%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 950,9 tỷ đồng, tăng 1,2%; Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 645,4 tỷ đồng, giảm 43,7 %; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 599,7 tỷ đồng, giảm 24,3%; Bộ Công Thương đạt 528,7 tỷ đồng, tăng 6,6%.
Đáng chú ý, đến thời điểm hiện nay, vẫn còn nhiều bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là năm mà nhiều dự án trọng điểm đang đi vào giai đoạn cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn; đồng thời là năm gần cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nếu không đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ. Trong khi đó, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, sẽ tạo nhiều áp lực cho việc hoàn thành mục tiêu giải ngân trong năm nay.
Để đạt tỷ lệ giải ngân 95% vốn đầu tư công năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đã kiến nghị và đã được Chính phủ, Thủ tướng ban hành; trong đó, nhấn mạnh giải pháp về đôn đốc chỉ đạo.
Nhóm giải pháp thứ hai là tổ chức triển khai thực hiện. Đây là nhóm giải pháp khá khó mà trách nhiệm chính thuộc về các bộ, ngành, địa phương. Trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, các thủ tục giải ngân như: thủ tục kiểm đếm hay nghiệm thu khối lượng, hay thủ tục về hồ sơ thanh quyết toán thì đề nghị các chủ đầu tư phải làm sớm, nhanh để chúng ta có thể giải ngân được lượng vốn trong kế hoạch đang còn tồn đọng rất nhiều nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Nhóm giải pháp thứ ba là về tháo gỡ khó khăn. Ngoài khó khăn về vật liệu thông thường, còn những khó khăn khác đối với một số dự án như về mặt thủ tục, đặc biệt là các thủ tục về điều chỉnh dự án...
Cùng với đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương tiếp tục đề nghị các bộ ngành, UBND cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư của tất cả các nguồn vốn: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Về phía các địa phương, đặc biệt là các tỉnh có tỉ lệ giải ngân thấp, nhiều giải pháp cũng đang được “gấp rút” triển khai. Tại Quảng Ninh, tính đến 15/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh mới đạt 43,8% được đánh giá là thấp hơn cùng kỳ cả về số tuyệt đối và tương đối. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách cấp tỉnh của các nhóm dự án hoàn thành, chuyển tiếp đều không đạt theo chỉ đạo của tỉnh; tỷ lệ giải ngân vốn chấm điểm, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn kéo dài không đạt kế hoạch đề ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Văn Diện, tỉnh đã ban hành trên 40 văn bản chỉ đạo, thông báo kết luận về xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công, trọng tâm là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thi công xây dựng công trình. Đến nay, các khó khăn, vướng mắc của các dự án mới cơ bản được xử lý, đặc biệt là những vướng mắc khó khăn được chỉ ra trong giai đoạn 2021 - 2023 như: vị trí đổ thải, tài sản công, chuyển mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất cho các dự án...
Từ nay đến hết năm 2024, ngoài việc tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận của nhân dân trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, Quảng Ninh sẽ ưu tiên bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện, không để tình trạng dự án chờ mặt bằng; thực hiện đồng bộ các thủ tục pháp lý liên quan khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giải quyết chính sách, bố trí tái định cư; theo đó, phương án quỹ đất tái định cư phải đảm bảo thực sự đáp ứng quyền, lợi ích hợp pháp và theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất phải di chuyển nơi ở.
Tại thành phố Hà Nội, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 11 tháng do địa phương quản lý thực hiện được 62.300 tỷ đồng, tăng ,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 75,2% kế hoạch năm 2024. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố cũng đang chú trọng tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thể chế và đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Cùng với đó, triển khai quyết liệt tinh thần phòng chống lãng phí, rà soát hàng trăm dự án chậm tiến độ để có giải pháp tháo gỡ.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu các đơn vị có kết quả giải ngân từng tháng thấp hơn số liệu đã báo cáo theo kế hoạch đề ra và thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của thành phố. Các cơ quan, đơn vị dự kiến giải ngân cả năm 2024 đạt tỷ lệ dưới mức dự kiến giải ngân chung của thành phố cần rà soát, xây dựng lại kế hoạch giải ngân và thực hiện ngay các giải pháp để tăng tỷ lệ giải ngân từ nay đến ngày 30/1/2025.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc tiến độ thực hiện dự án và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cuối năm 2024. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương quyết liệt thực hiện “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo” trong tổ chức thực hiện, với phương châm “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”…
Một trong những giải pháp được các chuyên gia, cũng như các địa phương kỳ vọng trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới; đó là vừa qua Luật Đầu tư công sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Luật Đầu tư công đã có rất nhiều nội dung sửa đổi mang tính đột phá; đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục đầu tư… Sắp tới, khi Luật Đầu tư công mới có hiệu lực sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc, tồn đọng trong quá khứ. Từ đó, giải phóng nguồn lực đầu tư công nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong kế hoạch trung hạn 2026 - 2023.
Tuy nhiên, trước áp lực giải ngân vốn đầu tư, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo các bộ, ngành, địa phương cần cẩn trọng trong các khâu thực hiện, tránh tình trạng “giải ngân bằng mọi giá” dẫn đến những vi phạm không đáng có.