Tính đến ngày 15/11, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Quảng Ninh mới đạt 43,8% kế hoạch sau điều chỉnh, tương đương trên 5.300 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương giải ngân đạt 52,6% kế hoạch, ngân sách tỉnh đạt 39,5% và ngân sách huyện đạt 45%.Như vậy, trong 1,5 tháng còn lại của năm 2024, tỉnh phải giải ngân trên 6.800 tỷ đồng thì đến hết ngày 31/12 mới giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn sau điều chỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Văn Diện đánh giá, do các tháng cuối năm là thời điểm thời tiết thuận lợi, khô ráo, ít mưa do đó đây cũng là thời điểm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm và khởi công toàn bộ các dự án trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, dự kiến đến hết năm 2024 tỉnh sẽ giải ngân đạt 95% kế hoạch sau điều chỉnh. Số vốn còn lại được kéo dài giải ngân sang năm 2025.
Để chủ động giải ngân vốn đầu tư công tốt, từ ngày 1/1/2024, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách cấp tỉnh và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, trong đó thực hiện cơ chế phân công, giao trách nhiệm rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên tổ công tác, lấy kết quả thực hiện giải ngân đầu tư công là một căn cứ quan trọng trong xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Văn Diện, tỉnh đã ban hành trên 40 văn bản chỉ đạo, thông báo kết luận về xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công, trọng tâm là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thi công xây dựng công trình. Đến nay, các khó khăn, vướng mắc của các dự án mới cơ bản được xử lý, đặc biệt là những vướng mắc khó khăn được chỉ ra trong giai đoạn 2021 - 2023 như: vị trí đổ thải, tài sản công, chuyển mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất cho các dự án...
Từ nay đến hết năm 2024, ngoài việc tuyên truyền vận động tạo sự đồng thuận của nhân dân trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tỉnh sẽ ưu tiên bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện, không để tình trạng dự án chờ mặt bằng; thực hiện đồng bộ các thủ tục pháp lý liên quan khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, giải quyết chính sách, bố trí tái định cư; theo đó, phương án quỹ đất tái định cư phải đảm bảo thực sự đáp ứng quyền, lợi ích hợp pháp và theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất phải di chuyển nơi ở.
Tính đến 15/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt 43,8% được đánh giá là thấp hơn cùng kỳ cả về số tuyệt đối và tương đối. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách cấp tỉnh của các nhóm dự án hoàn thành, chuyển tiếp đều không đạt theo chỉ đạo của tỉnh; tỷ lệ giải ngân vốn chấm điểm, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn kéo dài không đạt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, tình trạng nguồn vật liệu san lấp, vị trí đổ thải vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục theo quy định; giải phóng mặt bằng, xử lý tài sản công các dự án còn chậm.
Việc lập kế hoạch, chuẩn bị dự án của các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư chưa được quan tâm đúng mức, chưa bám sát khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án. Việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu có lúc, có nơi chưa kịp thời, còn lúng túng, bị động, thiếu quyết liệt, chưa nắm chắc tình hình; năng lực một bộ phận quản lý cấp dưới còn hạn chế, né tránh, sợ trách nhiệm.
Việc chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngoài các nguyên nhân khách quan như bị ảnh hưởng bởi thời tiết, bão số 3 (Yagi), phần lớn do sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.
Điển hình như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 279 đoạn km0+00 đến km8+600 có tổng diện tích giải phóng mặt bằng 75,3 ha của 15 tổ chức và 146 hộ dân, nhưng đến nay mới chỉ lập phương án được 1 tổ chức, còn lại chưa có phương án do vướng mắc liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng, chậm phê duyệt đơn giá cây trồng và xác định nguồn gốc đất.
Tuyến đường từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong giai đoạn 1 có tổng diện tích giải phóng mặt bằng là 11,22 ha; trong đó, có 5,89 ha đất rừng tự nhiên, phần diện tích giải phóng mặt bằng chỉ có 1 tổ chức do Hợp tác xã Liên Vị quản lý. Đến nay, vẫn chưa giải phóng mặt bằng bởi phần diện tích đất rừng tự nhiên đang hoàn thiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng, đang trình lên Văn phòng Chính phủ; phần diện tích còn lại thị xã Quảng Yên đang hoàn thiện thủ tục báo cáo UBND tỉnh thu hồi.
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Bệnh viện đa khoa tỉnh và các cơ sở y tế - giáo dục chất lượng cao tại khu vực Nam Cầu Trắng trên địa bàn các phường Hồng Hà, Hà Tu ở thành phố Hạ Long cũng vướng mắc trong giải phóng mặt bằng do chưa xác định được giá trị tài sản để bồi thường.
Ngoài ra, việc chậm giải ngân còn liên quan đến khó khăn nguồn vật liệu san lấp, gia cố nền móng ảnh hưởng đến tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. Việc thực hiện của các chủ đầu tư cấp tỉnh và UBND các địa phương còn nhiều bất cập; cùng mặt bằng pháp lý có chủ đầu tư, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, cho thấy sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.
Việc triển khai, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, cùng với đó là tâm lý e ngại, sở trách nhiệm của một phận cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ.
Năm 2025, Quảng Ninh dự kiến bố trí gần 12.000 tỷ đồng vốn ngân sách cho các dự án; trong đó, ngân sách trung ương gần 558 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 8.926 tỷ đồng và ngân sách huyện gần 2.422 tỷ đồng.