Đây là nội dung được nhấn mạnh tại hội thảo Giảm ùn tắc giao thông và cải thiện logistics tại cảng Cát Lái do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan Việt Nam tổ chức vào ngày 19/5 tại TP Hồ Chí Minh.
Áp lực lên cảng Cát Lái ngày càng cao
Cảng Cát Lái được đánh giá là cảng container nhộn nhịp nhất tại Việt Nam. Trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, cảng Cát Lái đã hoạt động hết công suất, trong khi đó nhu cầu tính theo lượng container được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Khu vực I (cửa khẩu cảng Cát Lái) thông tin, mỗi năm cảng Cát Lái đã thông quan hàng hoá 33.000 lượt doanh nghiệp với số lượng trên 500.000 tờ khai hải quan. Số lượng tờ khai tự động qua khu vực giám sát là 1,8 triệu tờ với khối lượng hàng hoá khoảng 3,3 triệu TEU. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái đạt 30 tỷ USD, thu ngân sách trên 46.000 tỷ đồng, chiếm 35% tổng số thu ngân sách của Cục Hải quan Tp.Hồ Chí Minh.
Mặc dù hoạt động thông quan hàng hoá tại cảng trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, đến nay được đảm bảo thông suốt nhưng nhu cầu sử dụng cảng ngày càng cao cũng đặt cảng Cát Lái đứng trước nhiều nguy cơ quá tải; trong đó, gồm các vấn đề về ùn tắc giao thông và thiếu hụt dịch vụ logistics xung quanh cảng.
Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án USAID TFP thông tin, theo kết quả của nhóm nghiên cứu dự án USAID TFP, ước tính mỗi năm có khoảng 4,9 triệu TEU hàng hoá được xếp dỡ tại TP Hồ Chí Minh, tương đương với khoảng 3 triệu xe tải hoặc hơn 8.000 xe tải mỗi ngày qua lại trong và xung quanh thành phố để xếp dỡ container từ khu vực cảng. Riêng cảng Cát Lái xử lý hơn 92% khối lượng này và khoảng 50% tổng khối lượng container của cả nước.
Cảng Cát Lái hiện đang hoạt động tối đa công suất thiết kế là 2,5 triệu TEU nhưng hiện nay khối lượng hàng hoá xử lý mỗi năm đang là 5,5 triệu TEU. Hiệu suất sử dụng cảng Cát Lái tương đương 90% so với tỉ lệ sử dụng bến thông thường là 70-80%. Trong khi đó, tổng thể năng lực cảng của Tp.Hồ Chí Minh chỉ ở mức hạn chế, cảng Cát Lái cũng chỉ có thể xử lý tàu có công suất dưới 3.000 TEU (tàu cho tuyến Nội Á), tàu công suất 3.000 TEU trở lên hiện đã được triển khai và chỉ có thể cập cảng Cái Mép tại Vũng Tàu (tuyến EU/Mỹ).
Nhóm nghiên cứu dự án USAID TFP dự báo, lưu lượng container ở miền Nam Việt Nam sẽ tăng từ 10 triệu TEU lên 20 triệu TEU trong 10 năm tới. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng rủi ro về thiếu năng lực đối với cảng Cát Lái và Cái Mép. Nguyên nhân là do, khu vực TP Hồ Chí Minh có đủ năng lực container để đáp ứng nhu cầu vào năm 2030 nhưng khối lượng container không được phân bổ đồng đều.
Có tới 90% lượng container xử lý tại Cái Mép được đưa về TP Hồ Chí Minh bằng sà lan 100-150 TEU. Bến sà lan hiện có tại Cái Mép/VũngTàu không đủ công suất; trong tương lai hệ thống sà lan vận chuyển container giữa TP Hồ Chí Minh, các ICD và cảng Cái Mép không đáp ứng nhu cầu thực tế. Các tuyến đường thủy hiện có không đủ rộng để đón tàu tải trọng lớn hơn. Trong khi đó, việc sử dụng công năng những cảng khác và phân bổ lưu lượng container chưa hiệu quả.
Đề xuất nhiều giải pháp cải thiện
Từ dự báo trên, nhóm nghiên cứu dự án USAID TFP đã đề xuất các nhóm giải pháp đầu tư nhằm giảm ùn tắc. Theo đó, cần đầu tư xây dựng bến sà lan chuyên dụng tại cảng Cái Mép và tuyến sà lan theo lịch trình trên toàn bộ mạng lưới các cảng. Bến sà lan sẽ cần phục vụ 4 triệu TEU lưu lượng hàng hóa mỗi năm. Hệ thống sà lan hiện nay cần thay đổi thành các tuyến “giống như trung chuyển” dựa trên các lộ trình đã lên kế hoạch trước, cập bến các cảng và ICD. Hệ thống sà lan nội địa hiệu quả sẽ khuyến khích các doanh nghiệp dịch chuyển từ khu vực TP Hồ Chí Minh hay tắc nghẽn ra vùng ven để giảm ùn tắc giao thông.
Nhóm nghiên cứu đồng thời cũng đưa ra hàng loạt khuyến nghị dưới hình thức một kế hoạch hành động để chính quyền và các cơ quan hữu quan tại địa phương cân nhắc. Những khuyến nghị này bao gồm từ việc tận dụng các giải pháp công nghệ thông tin để tăng cường luồng thông tin và thông quan hàng hóa đến việc bố trí hoặc mở rộng hạ tầng cảng và cải thiện hiệu suất hoạt động. Ngoài ra, thông qua dự án USAID để phối hợp với Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải xem xét những lĩnh vực có khả năng hợp tác công tư - một phương thức hiệu quả để huy động đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Bà Ann Marie Yatishock, Giám đốc USAID Việt Nam nhấn mạnh, giảm bớt tắc nghẽn tại các cảng của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi thương mại dần phục hồi hậu COVID-19. Nghiên cứu tiền khả thi tại cảng Cát Lái do USAID thực hiện đã đề xuất một kế hoạch hành động cho cảng container nhộn nhịp nhất Việt Nam này với mục tiêu giúp cảng có thể xử lý lượng container dự kiến sẽ tăng cao. Nỗ lực này tái khẳng định cam kết của USAID trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi thương mại và đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, đề xuất giải pháp phát triển bãi chứa ngoài cổng do Tân Cảng Sài Gòn điều hành. Theo đó, thời gan qua Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng tích cực mở rộng các khu vực bãi chứa nhưng tốc độ rất chậm do giá bất động sản tăng. Thời gian hàng nằm trên cảng bình quân 6,37 ngày, nếu được các cơ quan chức năng của Chính phủ và TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho mở rộng các khu vực bãi chứa ngoài cảng thì hoạt động thông quan, thời gian lưu bãi sẽ được rút ngắn.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp cho phép chuyển các container lưu cảng quá 30 ngày vào các ICD, nhường chỗ cho các hàng hoá khác; song song đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao công suất hoạt động của cầu tàu, cảng biển, chuyển đổi khu vực hậu cần sau cảng thành trung tâm logistics sau cảng.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng Cục Hải quan cũng chia sẻ, khi thương mại quốc tế dần phục hồi sau tác động của COVID-19 thì việc giải quyết ùn tắc tại cảng Cát Lái càng được ưu tiên. Tổng cục Hải quan luôn xác định cải cách hành chính, phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp chung tay đồng hành hướng tới phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều biện pháp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Thời gian tới ngành hải quan sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá hải quan để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.