Nhiều chính sách mới
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội.
Dự luật lần này có nhiều nội dung đổi mới với 11 nhóm chính sách lớn, gồm 16 chương, 245 điều, được xây dựng đồng bộ, tổng thể, có tầm nhìn xa, tạo dư địa và động lực mới để giải phóng nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, thúc đẩy tăng trưởng, đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và đảm bảo mọi người dân được hưởng lợi từ từ quá trình chuyển
dịch đất đai.
“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới hết sức quan trọng” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, những điểm mới đó là: Quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và các cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện, bổ sung quy định về quyền công dân trong tiếp cận đất đai, giám sát việc quản lý, sử dụng đất. Dự thảo luật cũng hoàn thiện đồng bộ các quy định về việc xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở ba cấp, gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng
để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ.
Việc giao đất, cho thuê đất sẽ được công khai, minh bạch, chủ yếu giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất nhằm tăng thu ngân sách Nhà nước, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội trong phát triển các dự án có tính chất điểm nhấn, động lực, có yêu cầu đồng bộ về hạ tầng, kiến trúc để tạo ra các lợi ích tổng thể.
Dự thảo luật đưa ra quy định phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất, đồng thời thiết lập các cơ chế quản lý, kiểm tra, kiểm soát của Trung ương, giám sát của Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tổ chức thực thi chính sách, pháp luật ở từng cấp.
Đặc biệt, thực hiện công khai minh bạch trong thu hồi đất thông qua quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư bằng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết vấn đề an sinh bền vững chongười có đất bị thu hồi.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính sang thực hiện đồng bộ các công cụ kinh tế, quy hoạch để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai. Hoàn thiện các quy định về giá đất theo nguyên tắc thị trường công khai, minh bạch, sự giám sát của HĐND. Ngoài ra các chính sách tài chính, ngân sách, thuế để điều tiết nguồn thu từ đất, giá trị địa tô tăng thêm, giải quyết tình trạng đầu cơ, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện các quyền của người sử dụng đất để thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, vốn hóa thị trường, phát huy nguồn lực đất đai. Thúc đẩytập trung đất đai, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nông nghiệp, người có nhu cầu đất để sản xuất nông nghiệp và các cơ chế để nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.
Hoàn thiện các quy định về chế độ sử dụng đất đa mục đích, sử dụng không gian ngầm, trên không... để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai, phù hợp với xu thế phát
triển.
Cuối cùng, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên nền tảng số dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: “Những gì có lợi cho người dân thì sẽ bàn đến cùng để làm sao luật hóa được. Những vấn đề gì đã làm rồi thì phải được đa số người dân đồng thuận trên cơ sở vì lợi ích quốc gia, dân tộc để thực hiện”
Kỳ vọng lớn
Kỳ vọng vào những thay đổi trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, dự thảo đã bám sát yếu tố thị trường
để định giá đất. Người dân sẽ được bồi thường cao hơn khi bị thu hồi đất, đồng thời đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, Nhà nước. Khắc phục tình trạng khiếu kiện, tố cáo, thu hồi đất trở thành điểm nóng như những năm qua.
“Giải toả được những bất cập đất đai sẽ là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Tôi đánh giá cao về nội dung dự thảo đã đề cập tập trung nguồn lực đất đai, trong đó dành quỹ đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI, sửa đổi Luật Đất đai cần thống nhất đồng bộ với các luật khác bởi trên thực tế thời gian qua, nhiều dự án nằm im do chồng chéo giữa các luật, ngay cả địa phương cũng thấy khó nên trì hoãn.
“Quy trình thủ tục thời gian tới phải nhìn từ người thực hiện. Nhìn từ các đạo luật thì “xuôi xuôi” nhưng khi địa phương thực hiện phải nhìn quá trình của dự án nên qua nhiều khâu. Cần có đột phá
và mục tiêu làm sao đơn giản hoá”, đại diện VCCI đề xuất.
Ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm, hiện việc tiếp cận quỹ đất để sản xuất của doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn, nên dự thảo luật cũng nên có cơ chế phù hợp, có cơ chế tiếp cận thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển thì nguồn lực đất đai rất quan trọng.
Lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về dự thảo luật
Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ- UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 170/NQ-CP về ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc ngày 15/3/2023.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 7/2, đã có 28 bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Về phía các bộ, ngành, Bộ TN&MT, Bộ VHT&DL, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Về phía các địa phương, hiện có 25 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch trên.
Ngoài ra, Bộ TN&MT đã nhận được 2 ý kiến góp ý bằng văn bản, 197 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến nhân dân (https://luatdatdai.monre. gov.vn).
Nội dung góp ý tập trung nhiều nhất tại Chương I quy định chung; Chương VII bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Chương X đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Chương VI thu hồi đất, trưng dụng đất; Chương XI tài chính về đất đai, giá đất; Chương IX giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Trước đó, ngày 30/1, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 120/QĐ-BTNMT về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 170/ NQ-CP. Theo đó, từ ngày 20/2 - 15/3, cơ quan này sẽ tổ chức các đoàn công tác theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật tại 8 tỉnh, thành phố chia theo các khu vực trên cả nước.
Theo kế hoạch, các đoàn công tác sẽ triển khai đôn đốc việc lấy ý kiến nhân dân ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc tại Hòa Bình và Lạng Sơn, khu vực đồng bằng sông Hồng tại Thái Bình, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung tại Nghệ An và Đà Nẵng, vùng Tây Nguyên tại Gia Lai, vùng Đông Nam Bộ tại Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.
Trong tháng 2 và 3/2023, Bộ TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bộ, ngành tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).