Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông Vận tải), tính đến cuối tháng 6/2023, trong tổng số 721km chiều dài toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025), các địa phương đã bàn giao mặt bằng khoảng gần 608km đạt hơn 84%. Tuy nhiên, theo báo cáo của các Ban Quản lý dự án, diện tích mặt bằng có thể thi công được chỉ đạt hơn 523km đạt 72,5%.
Để dự án sớm có đầy đủ mặt bằng sạch thi công, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc trực tiếp với các tỉnh, thành phố ban hành công điện đôn đốc tiến độ, đề nghị các địa phương triển khai chậm tập trung tháo gỡ khó khăn, ưu tiên các các vị trí đường công vụ, đường tiếp cận, các công trình cầu lớn, hầm, các vị trí xử lý nền đất yếu, các vị trí có khối lượng đào lớn cần điều phối sang đắp…
Tại Hà Tĩnh, có 102km cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đi qua thuộc 3 dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng và Vũng Áng – Bùng.
Theo ông Hồ Ngọc Loan, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng (chủ đầu tư dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng) cho hay, tới nay, địa phương đã kiểm đếm 100%, phê duyệt phương án bồi thường hơn 93% và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư gần 91%. Tiến độ giải ngân nguồn vốn giải phóng mặt bằng đã đạt 50%.
Hiện nhiều địa phương có cao tốc đi qua đang đối diện nguy cơ chậm tiến độ. Điển hình tại tỉnh Quảng Bình, địa phương có dự án thành phần Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh đi qua, theo thống kê đến cuối tháng 6/2023, tổng diện tích mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư mới đạt hơn 97 km đạt gần 77%.
Tại tỉnh Bình Định, đến hết ngày 27/6, tỉnh mới bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh khoảng 85% diện tích. Tương tự, tại Khánh Hòa, địa phương có tuyến cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang đi qua, đến ngày 27/6, các huyện, thị xã mới bàn giao mặt bằng được hơn 69km, đạt 82,51%.
Theo đại diện một số địa phương, hạng mục mất thời gian nhất hiện nay trong giải phóng mặt bằng là xây dựng các khu tái định cư do phải thực hiện nhiều thủ tục không thể lược bớt. Với quy trình thủ tục kéo dài, thời hạn để bàn giao mặt bằng sạch cho dự án và hệ thống hạ tầng các khu tái định cư chưa thể xác định mốc thời gian cụ thể.
Đại diện UBND tỉnh Bình Định chia sẻ, một trong những nguyên nhân khiến giải phóng mặt bằng đến hết ngày 30/6 không đạt 100% kế hoạch là do chậm xây dựng các khu tái định cư. Trong 39 khu tái định cư phục vụ cao tốc qua địa bàn, nhiều khu tiến độ triển khai còn thấp, chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch. Một số khu đã được tỉnh đã chấp thuận mỏ đất đắp, song không được áp dụng cơ chế đặc thù để rút ngắn quy trình nên làm chậm tiến độ xây dựng.
Với cao tốc qua Khánh Hòa, diện tích cần giải phóng mặt bằng là hơn 600ha với hơn 2.700 hộ dân bị ảnh hưởng. Trong đó, hơn 200 hộ dân thuộc diện tái định cư. Trong 6 khu dọc tuyến đang xây dựng, mới có huyện Khánh Vĩnh hoàn thành chỉ tiêu.
Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), năm 2023, số vốn bố trí cho giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 khoảng 14.865 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, giá trị giải ngân mới được 5.154 tỷ đồng, đạt khoảng 30% giá trị. Dư địa để giải ngân phần giải phóng mặt bằng còn rất lớn đòi hỏi các chủ đầu tư, nhà thầu cần tiếp tục phối hợp với địa phương tháo gỡ các khó khăn để tạo sự đồng thuận với người dân, giúp dự án sớm có 100% mặt bằng sạch thi công.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Giao thông Vận tải vừa có công điện yêu cầu các Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 6, Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án 85, Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thủ tục khai thác mỏ vật liệu và bãi đổ thải dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn giai đoạn 2.
Công điện của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đang được Bộ Giao thông Vận tải quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai. Tuy nhiên, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khai thác mỏ vật liệu và bãi đổ thải gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng nhiều đến công tác tổ chức thi công.
Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án theo yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban quản lý dự án chủ trì cùng các nhà thầu làm việc ngay với các sở, ban ngành của địa phương rà soát các nội dung liên quan thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐND tỉnh để kịp thời trình HĐND xem xét, chấp thuận tại kỳ họp giữa năm 2023 (dự kiến tổ chức vào giữa tháng 7/2023).
“Giám đốc Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ Giao thông Vận tải nếu để xảy ra chậm trễ khi các thủ tục liên quan phải trình HĐND, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khai thác mỏ vật liệu, bãi đổ thải và tiến độ chung của dự án”, công điện nêu.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các Ban quản lý dự án chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan tập trung ưu tiên giải quyết các vướng mắc đối với các đoạn tuyến đã bàn giao mặt bằng nhưng nhà thầu chưa triển khai thi công được và bàn giao các đoạn tuyến còn lại; sớm hoàn thiện các thủ tục để di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng các khu tái định cư.
Các Ban quản lý dự án cũng phải chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện trình tự thủ tục, sớm đưa vào khai thác các mỏ vật liệu đã được địa phương cấp bản xác nhận khối lượng khai thác; đẩy nhanh công tác lập, trình và chấp thuận hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác đối với các mỏ vật liệu còn lại, đảm bảo nhu cầu của dự án.
Về vấn đề vật liệu, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập 2 tổ công tác liên Bộ để làm việc với các tỉnh, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu thi công dự án…