Trước đó, ngày 25/12/2019, EVN có văn bản số 7055/EVN-TTĐ về kiến nghị cho phép EVN chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực tiếp tục nhận và giải quyết các yêu cầu bán điện từ các dự án điện mặt trời áp mái; thực hiện xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện giao nhận nhưng chưa thực hiện việc thanh toán tiền điện cho đến khi các cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn chính thức.
Nhận định từ phía Bộ Công Thương nêu rõ, trên cơ sở văn bản số 402/TB-VPCP ngày 22/11/2019 của Văn phòng Chính phủ về thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc thường trực Chính phủ về dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam áp dụng sau ngày 1/7/2019, ngày 31/12/2019 Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (Tờ trình sô 10170/TTr- BCT).
Theo dự thảo Quyết định, hệ thống điện mặt trời mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MWp, đầu nối trực tiếp và gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống và giá bán điện của các hệ thống điện mặt trời mái nhà là 1.916 đồng/kwh tương đương 8, UScent/kWh. Hiện nay, cơ chế khuyến khích nêu trên chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vì vậy, Bộ Công Thương thống nhất với kiến nghị của EVN tiếp tục nhận và giải quyết các yêu cầu bán điện từ các dự án điện mặt trời áp mái. Tuy nhiên đề nghị EVN thông báo rõ với các nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư phải tự chịu rủi ro về sự thay đổi (nếu có) so với đề xuất điện mặt trời trên mái nhà có trong Dự thảo của Bộ Công Thương.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị EVN chịu trách nhiệm đảm bảo các hệ thống điện mặt trời mái nhà đấu nối vào các hệ thống điện quốc gia tuân thủ đúng quy định của pháp luật và không gây quá tải lên hệ thống điện hiện hữu.